Ngay trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triển khai công tác huấn luyện lý luận cho đội ngũ cán bộ cách mạng. Tiếp đó, trong suốt các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn luôn chú trọng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên.
Nhiệm vụ đào tạo cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận chính trị nói chung (sau đây xin được nói tắt là cán bộ lý luận) được Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho một số học viện, trường đại học, viện chuyên ngành, trong đó Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia có vai trò, vị trí hàng đầu, chỉ đạo nội dung các chương trình và phương pháp đào tạo.
Qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, có thể khẳng định những kết quả, thành tựu sau đây:
Một là, Trung ương Đảng, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác đào tạo cán bộ lý luận, đã ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, chế độ, chính sách về công tác tư tưởng - lý luận tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai nhiệm vụ đào tạo cán bộ lý luận trong tình hình mới.
Hai là, đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ lý luận đông đảo bao gồm cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thuộc tất cả các chuyên ngành: triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa cộng sản khoa học; tư tưởng Hồ Chí Minh; lịch sử Đảng; xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam; chính trị học và một số bộ môn khác nghiên cứu chuyên sâu về đường lối, chủ trương, chiến lược của Đảng. Đội ngũ cán bộ lý luận này có cơ cấu độ tuổi, ngành nghề, lĩnh vực công tác… rất phong phú, trong đó có nhiều người trực tiếp làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận; một số khác làm việc trong các cơ quan tham mưu, lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp lớn…
Ba là, chất lượng đào tạo cán bộ lý luận trên một số phương diện được nâng cao, thể hiện qua khả năng đáp ứng nhiệm vụ công tác của đội ngũ cán bộ lý luận. Trước đòi hỏi nóng bỏng phải khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội, bảo vệ và đổi mới chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh đầy khó khăn, thử thách của những năm 80, 90 thế kỷ XX, tư duy lý luận Việt Nam đã có bước đột phá, và không ngừng vận động, bám sát đặc điểm của đất nước và các xu thế chủ lưu trên thế giới, tự chủ và kịp thời cung cấp luận chứng khoa học và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Nếu so sánh với các năm tháng trước kia, khi đội ngũ cán bộ lý luận của nước nhà còn nhỏ bé về số lượng và thiếu hụt về trình độ học thuật, rõ ràng là đến nay chúng ta có bước trưởng thành rất lớn, sẵn sàng đảm bảo nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như kim chỉ nam cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bốn là, các cơ sở đào tạo cán bộ lý luận có nhiều nỗ lực đảm bảo đồng thời tính khoa học và tính Đảng; chất lượng học thuật và yêu cầu chính trị trong nội dung chương trình và trong toàn bộ quá trình đào tạo. Nhờ vậy, quy mô đào tạo cán bộ lý luận không ngừng được mở rộng; nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn mới, phức tạp của đất nước được nghiên cứu, tổng kết và đưa vào nội dung giảng dạy, nghiên cứu; tuyệt đại đa số đội ngũ cán bộ lý luận của nước nhà là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - lý luận, bảo vệ mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng, bảo vệ vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với toàn xã hội, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Năm là, đã hình thành một hệ thống cơ sở đào tạo hùng hậu, bao gồm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong đó có 5 Học viện trực thuộc; các Học viện Chính trị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các Trường Khoa học xã hội - nhân văn thuộc các Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm Hà Nội và một số đại học khác… hàng năm đào tạo hàng nghìn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành lý luận chính trị. Cũng phải kể thêm đội ngũ cán bộ các chuyên ngành khoa học chính trị, chủ yếu là thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo từ các trường đại học trên thế giới, phần đông là từ các nước tư bản phát triển.
Với những kết quả, thành tựu như vậy trong những năm qua, Đảng và đất nước có một đội ngũ cán bộ lý luận đông đảo, thuộc mọi chuyên ngành, lĩnh vực; được đào tạo, rèn luyện cả về chuyên môn, học thuật và chính trị, tư tưởng; được cống hiến, trưởng thành thông qua các hoạt động lý luận và thực tiễn, có đóng góp xứng đáng vào quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng, kiên trì và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong bối cảnh mới, góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước nhà sau hơn 30 năm đổi mới.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo cán bộ lý luận vẫn đang còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn:
Một là, chất lượng đào tạo cán bộ lý luận chưa đáp ứng được yêu cầu và đỏi hỏi vừa cấp bách, nóng bỏng vừa cơ bản, lâu dài của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hệ quả là, phần lớn nhiệm vụ lý luận đều cơ bản được hoàn thành nhưng chất lượng hoàn thành không cao; hơn nữa, không ít nhiệm vụ lý luận bị “nợ, đọng”, chậm được triển khai, chậm được giải quyết. Đại hội XII của Đảng đã thẳng thắn vạch rõ: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ được một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ”.
Nguyên nhân gây ra hạn chế, yếu kém này trước hết là do nội dung các chương trình đào tạo lý luận chưa phù hợp; do đội ngũ giảng viên ở các học viện, nhà trường chưa thật sự vừa “hồng” vừa “chuyên” trong sự nghiệp “trồng người” của Đảng và cho Đảng. Ngoài ra, cần phải kể đến các nguyên nhân quan trọng khác, đó là: đầu vào của đội ngũ sinh viên đại học các chuyên ngành lý luận hiện nay rất thấp so với các chuyên ngành khác; động cơ đi học của nhiều học viên cao học và nghiên cứu sinh các chuyên ngành lý luận là rất đáng lo ngại; chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ lý luận còn nhiều bất hợp lý…
Hai là, đang tồn tại tình trạng vừa thừa vừa thiếu cán bộ lý luận, do cơ cấu các chuyên ngành đào tạo không hợp lý. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Hệ thống, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn nhiều bất hợp lý. Phương pháp giảng dạy, học tập lý luận chính trị còn lạc hậu”. Một số chuyên ngành gần với lý luận như: nhà nước và pháp luật, quản lý kinh tế, chính sách công… thường xuyên quá tải về số lượng sinh viên, học viên; trong khi đó, một số chuyên ngành “chính hiệu” lý luận có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng như: triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học, kinh tế chính trị học, lịch sử và lý luận phong trào cộng sản, công nhân quốc tế… nhiều năm không tuyển sinh được học viên. Có các nguyên nhân khác nhau gây ra nghịch lý này, nhưng nổi lên trên hết là do chúng ta chưa có chính sách cụ thể cần thiết đối với công tác đào tạo các môn lý luận đặc thù này.
Ba là, tình trạng vừa không coi trọng giáo dục kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa không thật sự bám sát kết quả tổng kết thực tiễn, vừa chậm trễ, phiến diện và thụ động tiếp thu tri thức lý luận bên ngoài, nếu không được khắc phục kịp thời, sẽ tạo ra nguy cơ không thể xem thường đối với công tác đào tạo cán bộ lý luận của chúng ta. Đọc trực tiếp các tác phẩm kinh điển, nếu trước kia các thế hệ cha anh thực hiện đầy hào hứng, thì nay chỉ còn là thao tác của thiểu số trong số học viên các chuyên ngành lý luận. Các học thuyết lý luận trên thế giới đương đại về sự phát triển, nhìn chung, được giới học thuật nước ta tiếp cận rất muộn, ít khi trực tiếp, nên thường là không hệ thống và thiếu tinh thần chọn lọc, phê phán. Nguyên nhân hàng đầu là do đội ngũ cán bộ lý luận không đủ trình độ ngoại ngữ, không có quan hệ với nhiều thiết chế học thuật nổi tiếng và các nhà khoa học đầu ngành trên thế giới.
Bốn là, hệ thống các cơ sở đào tạo lý luận của Đảng, Nhà nước hiện nay, tuy khá phong phú, đa dạng nhưng chưa chuyên sâu, còn chồng chéo nhau về nhiệm vụ, chuyên ngành đào tạo nên chưa phát huy được thế mạnh của từng cơ sở, thay vào đó là tình trạng cạnh tranh với nhau ngày càng thiếu lành mạnh. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho không ít nhà trường xem nhẹ chất lượng đào tạo sinh viên, học viên, cán bộ lý luận; chạy theo quy mô, số lượng vì công ăn việc làm, vì cải thiện thu nhập v.v… Sản phẩm do các cơ sở đào tạo ra hàng năm là những đội ngũ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ná ná giống nhau về chuyên ngành, về cái mạnh và cái yếu. Ngày càng có nhiều tiến sĩ lý luân không làm công tác lý luận lý luận; phó giáo sư, giáo sư lý luận không thực nghiệp giảng dạy!
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần huấn thị, cán bộ là “gốc” của mọi công việc. Hiểu theo nghĩa đó, cán bộ lý luận là nhân tố “gốc” đối với sự nghiệp tư tưởng - lý luận của Đảng. Để nhân tố “gốc” trở nên vững mạnh, cần nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ lý luận. Xin được đề xuất một số giải pháp sau đây:
Một là, rà soát, chỉnh sửa, đổi mới nội dung và ban hành các chương trình đào tạo lý luận để thực hiện thống nhất trong các trường đại học, học viện của cả nước, chấm dứt tình trạng từng trường, thậm chí từng khoa đào tạo lý luận theo chương trình riêng của mình. Trước mắt, nên tập trung vào các chuyên ngành triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa cộng sản khoa học; tư tưởng Hồ Chí Minh; lịch sử Đảng; xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Thống nhất và chuẩn mực về nội dung chương trình đào tạo lý luận là tiền đề hàng đầu cho sự thống nhất về nhận thức lý luận, thống nhất về tư tưởng trong Đảng và toàn xã hội. Đây cũng là yếu tố hữu ích phòng ngừa, khắc phục các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Hai là, sắp xếp lại, tái cấu trúc hệ thống các cơ sở đào tạo lý luận trong phạm vi cả nước theo hướng phân công, phân ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ và lợi thế của từng đơn vị. Khắc phục tình trạng nhiều học viện, nhiều trường đại học cùng thực hiện đào tạo các chuyên ngành lý luận như nhau. Có định hướng riêng cho một số chuyên ngành đặc thù, mặc dù không hấp dẫn đối với xã hội nhưng không thể thiếu đối với công tác tư tưởng, công tác lý luận của Đảng.
Ba là, xác lập chế độ đào tạo riêng, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lý luận, nhất là những người trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu lý luận. Học tập kinh nghiệm quý báu trước kia, Đảng và Nhà nước cần chỉ đạo xây dựng Đề án đào tạo cán bộ lý luận, trong đó có đào tạo giảng viên lý luận trước yêu cầu, nhiệm vụ mới. Tri thức lý luận trong thời đại ngày nay được bổ sung, đổi mới rất mau lẹ và thường xuyên, buộc đội ngũ cán bộ lý luận phải được tiếp thu kịp thời, đầy đủ. Theo hướng này, đào tạo về ngoại ngữ, về kỹ năng sử dụng các công nghệ hiện đại… trở nên thật sự cấp bách với số đông cán bộ lý luận hiện nay.
Lãnh tụ V.I.Lênin đã khẳng định, chỉ đảng cách mạng nào được trang bị lý luận tiền phong thì mới có điều kiện làm tròn sứ mệnh tiền phong. Nhiệm vụ rất đỗi hệ trọng này luôn luôn cần trí tuệ và trách nhiệm của toàn Đảng và của mỗi chúng ta – những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Những nội dung trong tham luận được chắt lọc chủ yếu từ thực tiễn hoạt động của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và được phát biểu với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật./.PGS,TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
------------
Tham luận được trình bày tại kỳ họp thứ tư Hội đồng Lý luận Trung ương, Hà Nội, 23/12/2017.
Đang truy cập : 107
•Máy chủ tìm kiếm : 2
•Khách viếng thăm : 105
Hôm nay : 1516
Tháng hiện tại : 4927
Tổng lượt truy cập : 4505764