Thứ tư - 23/09/2015 05:17
GD&TĐ - Việc rèn kĩ thuật viết đúng, viết đẹp cho học sinh lớp 1 có ý nghĩa quan trọng, giúp các em làm chủ tiếng nói về mặt văn tự và ghi chép lại văn tự đó một cách rõ ràng, đầy đủ.
Cô giáo Trần Thị Năm - giáo viên Trường tiểu học Trung Hưng (Hưng Yên) từ việc điểm mặt những lỗi thường gặp của học sinh lớp 1 đã chỉ ra các giải pháp hết sức cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dạy phân môn Tập viết cho học sinh lớp 1.
Từ tư thế sai đến cách viết chưa chuẩn
Cô Năm cho rằng, học sinh lớp 1 thường gặp một số lỗi như: Viết chữ chưa đúng cỡ, chưa đúng độ cao, độ rộng, điểm đặt bút, điểm dừng bút chưa đúng. Chữ viết chưa liền mạch, nối chữ chưa đúng quy định.
Vị trí dấu thanh, dấu phụ các em cũng đặt chưa đúng. Nhiều em viết dấu quá to hoặc quá bé, dấu đặt xa chữ, có em dấu chạm vào chữ, dấu không đúng chữ ghi âm chính.
Có em viết xấu, chữ viết không đều, nét cao, nét thấp, nét ngắn, nét dài, nét nghiêng ngả, nhất là con chữ “o” và những con chữ được kết hợp bởi nét cong tròn các em đều viết méo, hoặc nghiêng nghẹo, không có em nào viết được chữ “o” tròn theo đúng quy định, khoảng cách giữa các chữ không đều.
Học sinh lớp 1 thường gặp một số lỗi như: Viết chữ chưa đúng cỡ, chưa đúng độ cao, độ rộng, điểm đặt bút, điểm dừng bút chưa đúng. Chữ viết chưa liền mạch, nối chữ chưa đúng quy định.
Bên cạnh đó, một số em tư thế ngồi viết sai, cách cầm bút chưa đúng. Đa số các em ngồi cúi mặt sát với vở, vẹo lưng, lệch vai, khuỳnh tay...
Rất nhiều học sinh cầm bút bằng 4 đầu ngón tay, có em cầm cả 5 ngón tay, thậm chí cầm 3 ngón tay nhưng chưa chụm cả 3 ngón tay vào quản bút, cán bút vuông góc với mặt vở, có em cầm bút ngả về phía trước, có em khoằm tay vào phía trong…
Tư thế ngồi viết đúng
Để học sinh có thể tránh được một số bệnh học đường trong trường học như: bệnh cong vẹo cột sống, bệnh cận thị…, giáo viên phải luyện cho học sinh có được một tư thế ngồi viết thật đúng, thật thoải mái.
Muốn vậy, người giáo viên phải có tư thế ngồi thật đúng để học sinh bắt trước. Ngay từ những tiết học đầu tiên tôi đã làm mẫu kết hợp giải thích, hướng dẫn rất tỉ mỉ về từng động tác tư thế ngồi học để các em hiểu và làm theo như sau:
Lưng thẳng; không tì ngực vào bàn; đầu hơi cúi, mắt cách vở 25 - 30cm; tay phải cầm bút, tay trái tì nhẹ lên mép vở để giữ; hai vai ngang bằng; hai chân để song song vuông góc với mặt đất, thoải mái.
Học sinh mới vào lớp 1 chưa có khái niệm về đơn vị đo độ dài nên chưa thể tự ước lượng được khoảng cách từ 25cm - 30cm nên giáo viên cho học sinh chống cùi chỏ tay trên mặt bàn, ngửa bàn tay ra, áp trán vào sát lòng bàn tay để ước lượng khoảng cách mặt với vở và luôn giữ ở vị trí cố định như vậy khi viết, em nào quên có thể tự ước lượng lại được.
Cách cầm bút
Cầm bút bằng ba đầu ngón tay: ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa. Khi viết dùng ba ngón tay di chuyển bút từ trái sang phải, cán bút nghiêng về bên phải, cổ tay, khủy tay và cánh tay cử động mềm mại, thoải mái. Không nên cầm bút tay trái.
Giáo viên làm mẫu và hướng dẫn tỉ mỉ cách cầm bút: Ngón cái và ngón trỏ đặt ở phía trên, ngón giữa ở phía dưới đỡ đầu bút cách đầu bút khoảng 1 đốt ngón tay.
Khi viết đưa bút từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, các nét đưa lên
Cầm bút xuôi theo chiều ngồi, bút đặt nghiêng so với giấy khoảng 45 độ. Tuyệt đối không cầm bút dựng đứng 90 độ.
hoặc đưa sang ngang phải nhẹ tay.
Cách để vở, xê dịch vở khi viết
Khi viết chữ đứng học sinh cần để vở ngay ngắn trước mặt. Nếu tập viết chữ nghiêng (tự chọn) cần để vở hơi nghiêng sao cho mép vở phía dưới cùng với mép bàn tạo thành một góc khoảng 15 độ.
Khi viết độ nghiêng của nét chữ cùng với mép bàn sẽ tạo thành một góc vuông 90 độ. Như vậy, dù viết theo kiểu chữ đứng hay chữ nghiêng, nét chữ luôn thẳng đứng trước mặt (chỉ khác nhau về cách để vở).
Khi viết xuống những dòng dưới, các em tự đẩy vở lên trên để cánh tay luôn tì lên mặt bàn làm điểm tựa khi viết.
Trước lúc viết, giáo viên thường cho học sinh nhắc lại tư thế ngồi học, cách cầm bút để vở để học sinh thực hiện theo đúng quy định.
Trong quá trình học sinh viết rất hay quên, thay đổi tư thế ngồi đúng, lúc đó tôi lại phải kiên nhẫn chỉnh sửa cho từng em. Lặp đi lặp lại nhiều lần, các em cũng dần dần ngồi đúng, cầm bút đúng.
Mặt khác, giáo viên phô tô gửi mỗi phụ huynh một bản hướng dẫn về tư thế ngồi học, cách cầm bút, để vở. Khuyên phụ huynh mua bảng chữ mẫu viết thường của Bộ GD&ĐT để hướng dẫn học sinh luyện viết ở nhà.
Giáo viên nắm chắc mẫu chữ chuẩn
Việc nắm chắc các mẫu chữ hiện hành theo chuẩn của Bộ GD&ĐT và việc viết tốt mẫu chữ quy định là một yêu cầu cần thiết không thể thiếu được đối với người giáo viên tiểu học. Đây chính là một tiêu chí mà mọi giáo viên phải đặt ra và thực hiện.
Việc nắm chắc các mẫu chữ hiện hành theo chuẩn của Bộ GD&ĐT và việc viết tốt mẫu chữ quy định là một yêu cầu cần thiết không thể thiếu được đối với người giáo viên tiểu học.
Khi viết mẫu cho học sinh, viết chậm lại đủ để cho học sinh quan sát, vừa viết vừa kết hợp nhịp nhàng với giảng giải, phân tích: Đặt bút từ điểm nào, rê bút như thế nào, đưa bút vào vị trí nào, thứ tự các nét viết ra sao, dừng bút ở điểm nào?
Phân tích cả cách viết dấu phụ, dấu thanh để học sinh dễ dàng nhận biết được cách viết; hướng dẫn cả về khoảng cách giữa các chữ ghi tiếng để học sinh không viết sát quá hoặc cách xa quá.
Đồng thời tư thế đứng viết của giáo viên cũng phải hợp lý để học sinh quan sát được tay của cô khi viết và theo dõi được cả quy trình viết chữ.
Khi hướng dẫn viết mẫu trên bảng lớp, lời nói của giáo viên phải nhẹ nhàng, gần gũi, chuẩn mực và dễ hiểu, tránh dùng các khái niệm khó hiểu hoặc cách nói mơ hồ không rõ ràng, nên dùng đúng các thuật ngữ cách gọi khi dạy viết chữ Tiếng Việt như: chữ ghi âm, chữ ghi vần, chữ ghi tiếng, chữ ghi từ...
Hướng dẫn tỉ mỉ cách viết từng con chữ, nét nối chính xác theo đúng quy định cho học sinh.
Không nên nói nôm, nói ngọng, nói lộn xộn hoặc nói quá nhiều gây căng thẳng khó hiểu cho học sinh. Sau đây là mẫu chữ cái viết thường trong trường tiểu học mà tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu.
Kỹ thuật viết đúng, viết đẹp
Trước tiên, hướng dẫn học sinh nắm được các thuật ngữ dòng kẻ:“Dòng kẻ ngang 1, ngang 2, ngang 3; ngang 4, ngang 5. Ô li 1, ô li 2…ô li 5. Đường kẻ ngang trên, ngang dưới của một ô li. Dòng kẻ dọc 1, dòng kẻ dọc 2, … dòng kẻ dọc 5”trong vở ô li, Vở Tập viết, trên bảng con, bảng lớp.
Tiếp theo, hướng dẫn cho học sinh nắm chắc và viết tốt các nét cơ bản của chữ. Nắm được tên gọi và cấu tạo của từng nét cơ bản bao gồm: Nét ngang, nét sổ, nét xiên trái, nét xiên phải, nét móc xuôi, nét móc ngược, nét móc hai đầu (là kết hợp của nét móc xuôi và nét móc ngược), nét cong hở phải, nét cong hở trái, nét cong khép kín, nét khuyết trên, nét khuyết dưới, nét thắt .
Việc nắm chắc cách viết, viết đúng, viết đẹp thành thạo các nét cơ bản sẽ nắm được cấu tạo của từng chữ cái giúp cho việc nối các nét thành chữ cái sẽ dễ dàng hơn.
Sau đó, dạy học sinh cách xác định tọa độ của điểm đặt bút và điểm dừng bút phải dựa trên khung chữ làm chuẩn.
Hướng dẫn học sinh hiểu điểm đặt bút là điểm bắt đầu khi viết một nét trong một chữ cái hay một chữ.
Điểm dừng bút là vị trí kết thúc của nét chữ đa số điểm kết thúc ở 1/3 đơn vị chiều cao của thân chữ. Riêng đối với con chữ “o” vì là nét cong tròn khép kín nên điểm đặt bút trùng với điểm dừng bút.
Để chữ viết không bị rời rạc, đứt nét, giáo viên nhấn mạnh hơn chỗ nối nét, nhắc các em viết đều nét, liền mạch đúng kĩ thuật.
Giáo viên cần nhấn mạnh chỗ ghi dấu thanh với vần, từng loại vần. Cái khó với học sinh là không biết ghi dấu thanh ở vị trí nào nhất là những chữ có từ 2 đến 3 chữ cái trở lên.
Khắc sâu những lỗi học sinh thường gặp khó khăn
Giáo viên cần nhấn mạnh chỗ ghi dấu thanh với vần, từng loại vần. Cái khó với học sinh là không biết ghi dấu thanh ở vị trí nào nhất là những chữ có từ 2 đến 3 chữ cái trở lên.
Khi dạy mỗi vần mới, cuối cùng, tôi đều cho học sinh nhận xét chốt lại những chữ ghi vần đó thì viết dấu thanh ở chữ cái ghi âm gì. Đặc biệt ở bài ôn tập mỗi loại vần tôi đều khắc sâu vị trí ghi dấu thanh.
Với chữ có dấu phụ là dấu mũ như ô, ơ, ê, thì thanh sắc, huyền, hỏi phải ghi ở bên phải dấu mũ còn thanh ngã thì ghi ở giữa, phía trên của dấu mũ, các dấu thanh phải ngay ngắn, cân đối nằm đúng dòng li quy định và không được chạm vào chữ cái hay dấu phụ.
Trong quá trình chấm chữa bài, giáo viên cần chữa những lỗi học sinh sai phổ biến nhất, hướng dẫn kỹ lại cách viết của chữ đó để học sinh khắc sâu cách viết một lần nữa. Cho cả lớp xem bài viết đẹp. Kịp thời động viên, khích lệ những học sinh có chữ viết tiến bộ.
Kết hợp song song với các môn học khác
Để học sinh viết đúng và đẹp thì phải tiến hành song song và đồng bộ việc dạy - học phân môn Tập viết với các môn học khác. Học sinh không chỉ viết đúng và đẹp ở vở Tập viết mà cần phải viết đẹp ở tất cả các loại vở.
Muốn viết đẹp và thành thạo thì cần phải nắm được kĩ thuật viết. Muốn viết đúng, không sai, không mắc lỗi thì cần phải đọc đúng, đọc hiểu. Vì vậy trong quá trình dạy học cần phải rèn cho học sinh không những viết thạo mà còn phải đọc thông.
Để làm được điều này khi dạy các giờ Tập viết, Học vần, Tập đọc, Chính tả, giáo viên luôn chú ý hướng dẫn học sinh phát âm đúng, phân biệt và sửa ngọng cho những học sinh đọc còn ngọng.
Giúp các em đọc đúng, hiểu đúng những từ ngữ địa phương hoặc những tiếng, những từ ngữ khó có âm đầu hay nhầm lẫn như : l/n, x/s, tr/ch, r/d...
Tổ chức các trò chơi và phong trào thi đua
Để việc dạy - học phân môn Tập viết thành công phải có sự hướng dẫn tỉ mỉ, từng li, từng tí của giáo viên. Mặt khác, giáo viên còn phải hiểu tâm lý lứa tuổi học sinh.
Không nên cho các em ngồi viết liền trong một thời gian dài dễ gây mỏi tay và chán.
Không nên cho các em ngồi viết liền trong một thời gian dài dễ gây mỏi tay và chán. Cần thường xuyên tổ chức các trò chơi thi viết chữ đẹp trong mỗi tiết học. Tổ chức thi “Giữ vở sạch - Viết chữ đẹp” trong từng tháng.
Động viên khen ngợi kịp thời những tổ hay cá nhân thực hiện tốt, đặc biệt những tổ hay cá nhân có tiến bộ tạo cho học sinh sự hứng khởi hăng hái thi đua rèn luyện.
Trong các tiết sinh hoạt lớp cuối tuần, cô Năm thường dành khoảng 10 phút để tổng kết đánh giá việc rèn chữ viết đẹp, giữ vở sạch của học sinh và tuyên dương những em có tiến bộ.
Ngoài việc phát động phong trào thi đua, cô Năm đồng thời giới thiệu các bài viết đẹp, các trang viết đẹp của học sinh trong buổi họp cha mẹ học sinh để cha mẹ các em cùng thi đua rèn luyện cho con em mình.
Lê Thị Tính- Trưởng khoa Tiểu học (theo Báo mới.com)