Game nổ hũ quốc tế - Trò chơi đổi thưởng hay nhất năm 2024


Trang nhất » Tin Tức » Bài viết - Trao đổi

Giá trị đạo đức truyền thống và giá trị đạo đức truyền thống của người phụ nữ việt nam

Chủ nhật - 11/10/2015 09:37

Giá trị đạo đức truyền thống và giá trị đạo đức truyền thống của người phụ nữ việt nam

1. Đạo đức và giá trị đạo đức Ngay từ buổi binh minh của xã hội loài người, con người đã có quan hệ gắn bó với nhau trong tổ chức bầy đàn, thị tộc, bộ lạc,..


Các quan hệ giản đơn của xã hội chưa có giai cấp, theo tiến trình phát triển của xã hội loài người, các quan hệ ngày càng trở nên đa dạng, phong phú và phức tạp hơn, đòi hỏi mỗi cá nhân sống trong cộng đồng phải thường xuyên tự điều chỉnh hành vi, thái độ của mình trong giao tiếp, ứng xử sao cho phù hợp với các chuẩn mực, quy tắc của xã hội,..Trong trường hợp đó, cá nhân được cộng đồng coi là người có đạo đức và ngược lại bị coi là người thiếu đạo đức.
 Khi phê phán Đuyrinh muốn đưa ra một học thuyết đạo đức vĩnh cửu, bất biến, đúng với mọi thời đại lịch sử và mọi dân tộc, Ph.Ăngghen đã khẳng định: Xét cho đến cùng, mọi học thuyết về đạo đức đã có từ trước đến nay đều là sản phẩm của tình hình kinh tế - xã hội lúc bấy giờ. Trong xã hội có giai cấp, đạo đức mang tính giai cấp. Mỗi giai cấp đều có đạo đức riêng, phản ánh những quan hệ thực tiễn làm cơ sở cho vị trí giai cấp của mình, tức là những quan hệ kinh tế mà trong đó, người ta tiến hành sản xuất và trao đổi. Do vậy, ta có thể hiểu: Đạo đức là những chuẩn mực, những phương thức cơ bản điều tiết hành vi của con người; là một hình thái ý thức xã hội; là một dang của quan hệ xã hội; là đối tượng nghiên cứu của đạo đức học.
Sự tiến bộ của đạo đức là do những giá trị đạo đức trong lịch sứ phát triển của nó tạo thành. Trong các học thuyết về đạo đức, có học thuyết chỉ có giá trị thúc đẩy tiến bộ xã hội ở một thời điểm nhất định nào đó, nhưng cũng có những học thuyết đạo đức có thể có giá trị lâu dài đối với sự phát triển xã hội. Vậy giá trị đạo đức là gì? Giá trị, theo nghĩa chung nhất, là cái mà do nó đã làm cho một khách thể nào đó có ích, có nghĩa, đáng quý đối với chủ thể, được mọi người thừa nhận. Như thế, có thể hiểu giá trị đạo đức là cái được con người lựa chọn và đánh giá, xem nó như là việc làm có ý nghĩa tích cực đối với đời sống xã hội, được lương tâm đồng tình và dư luận biểu dương.
Lợi ích xã hội là tiêu chuẩn khách quan của các giá trị đạo đức, do đó chỉ khi nào những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức điều chỉnh hành vi phù hợp với lợi ích xã hội, được dư luận đồng tình, ủng hộ thì mới có giá trị. Bởi vậy, giá trị đạo đức được xác định ở mức độ phù hợp của chúng đối với yêu cầu của tiến bộ xã hội. Song, lợi ích xã hội và yêu cầu của tiến bộ xã hội luôn có tính lịch sử, nghĩa là mỗi giai đoạn phát triển xã hội lại có những yêu cầu về lợi ích và sự tiến bộ của nó, chính vì vậy mà giá trị đạo đức cũng có tính lịch sử. Giá trị đạo đức được thể hiện thông qua việc thực hiện các chức năng của đạo đức. Xã hội luôn vận động, biến đổi không ngừng, nhưng ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của lịch sử xã hội loài người, đạo đức cũng có những chức năng cơ bản sau:
Thứ nhất, chức năng điều chỉnh hành vi. Sự điều chỉnh hành vi được thực hiện bằng hai hình thức chủ yếu. Một là, thông qua dư luận xã hội, ca ngợi, khuyến khích cái thiện, cái tốt, lên án, phê phán cái ác, cái xấu. Trong trường hợp này, giá trị đạo đức phụ thuộc vào sức mạnh và tính đúng đắn của dư luận. Mỗi khi dư luận xã hội được củng cố và phát triển, được mọi người đồng tình ủng hộ, nó sẽ trở thành sức mạnh to lớn trong việc điều chỉnh đạo đức. Dân tộc ta có câu ca: "Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ". Hai là, bản thân chủ thể đạo đức tự giác điều chỉnh hành vi của mình theo những chuẩn mực đạo đức xã hội. Cách thức điều chỉnh này phụ thuộc vào việc giáo dục, giác ngộ của chủ thể đạo đức. Bởi lẽ, trong quan hệ đạo đức chủ thể đạo đức vừa tham gia vào hành vi ứng xử, vừa là người phán xét hành vi ứng xử của chính mình.
Thứ hai, chức năng giáo dục. Chức năng giáo dục được thực hiện thông qua sự giáo dục của xã hội và sự tự giáo dục của mỗi cá nhân. Giáo dục đạo đức là quá trình tuyên truyền những tư tương, nhưng chuẩn mực đạo đức xã hội, biến nó thành thước đo đánh giá, điều chình hành vi của mỗi cá nhân nhằm đạt tới một sự phù hợp giữa hành vi cá nhân với lợi ích xã hội. Trong quá trình hoạt động sinh sống, mỗi cá nhân không chỉ mưu cầu lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần, mà còn mưu cầu sự tiến bộ của bản thân và đều muốn được dư luận xã hội ca ngợi, biểu đương. Do đó, những tư tưởng và những chuẩn mực đạo đức xã hội trở thành mục tiêu, thành những định hướng cho hoạt động cá nhân của nó.
Tự giáo dục đạo đức của cá nhân, trước hết thế hiện ở chỗ, mỗi cá nhân thông qua sự tự phán xét của lương tâm về hành vi của mình để củng cố các chuẩn mực đạo đức cá nhân, nhằm đạt tới hành vi ứng xử phù hợp với các chuẩn mực đạo đức đó. Mặt khác, dựa vào dư luận xã hội, mỗi người tự điều chỉnh hành vi và điều chỉnh ngay cả những chuẩn mực đạo đức cá nhân khi nhận thấy nó sai lệch với chuẩn mực xã hội. Giá trị đạo đức trong trường hợp này được xác định phụ thuộc vào sự nhạy cảm, sự cầu thị của chủ thể trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cho phù hợp với tư tưởng, chuẩn mực đạo đức của xã hội.
Thứ ba, chức năng nhận thức. Những tư tưởng đạo đức và chuẩn mực đạo đức xã hội có trở thành các quan hệ đạo đức trong đời sống xã hội hay không, điều đó không chỉ phụ thuộc vào tính đúng đắn, tư tưởng đạo đức, của các chuẩn đạo đức, vào việc tuyên truyền, giáo dục trong xã hội, mà còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng tiếp nhận và chuyển hoá nó trong hoạt động nhận thức và trong hành vi của mỗi chủ thể đạo đức. Thông qua sự lựa chọn, đánh giá của các chủ thể đạo đức về những tư tưởng, chuẩn mực đạo đức, trong bản thân họ hình thành niềm tin, lý tương đạo đức và các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức trong quan hệ ứng xử của chính họ. Hoạt động nhận thức đạo đức cũng bao gồm hai trình độ: tình cảm và tư tưởng đạo đức, kinh nghiệm và lý luận đạo đức.
2. Quan niệm về giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam
Giá trị đạo đức truyền thống là một bộ phận trong phức hệ giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một dòng chảy liên tục nảy sinh, tồn tại và phát triển trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, được tích lũy, lưu truyền, chắt lọc và tiếp biến từ thế hệ này qua thế hệ khác. Giá trị đạo đức truyền thống là kết quả của mối quan hệ giữa người với người, của điều kiện sinh hoạt vật chất nhất định. Mỗi giá trị đều góp phần tạo nên sắc thái riêng biệt của con người Việt Nam hợp thành bản sắc dân tộc. Trong suốt chiều dài và chiều sâu của lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao thử thách, hy sinh đấu tranh cho sự tồn tại và phát triển của mình. Dải đất hình chữ “S” không chỉ là không gian sinh tồn mà còn là không gian văn hóa của đất nước, con người Việt Nam - Đó là môi trường tự nhiên, môi trường xã hội thuần khiết, vô trùng nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc Việt. Những điều kiện lịch sử - xã hội ấy, là cơ sở cho sự hình thành và phát triển các giá trị đạo đức truyền thống mang bản sắc Việt Nam. Tình yêu quê hương, đất nước của con người Việt Nam được bắt nguồn từ đó; tinh thần cố kết làng xã, cộng đồng; lối sống tình nghĩa, tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam cũng xuất phát từ đây. Đó là những giá trị đạo đức truyền thống vững bền, trường tồn của dân tộc Việt Nam. Cùng với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, những giá trị đạo đức truyền thống ấy luôn được bồi tụ, làm giàu bởi những tinh hoa văn hóa của nhân loại, nhất là khi có sự thâm nhập của chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết cách mạng, khoa học và nhân văn nhất mọi thời đại vào Việt Nam.
Vậy giá trị đạo đức truyền thống là gì? Giá trị đạo đức truyền thống gồm những nội dung nào? Theo GS.Trần Văn Giàu, giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam bao gồm: “yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa”(1). Giáo sư Vũ Khiêu thì cho rằng, giá trị đạo đức truyền thống cao đẹp của dân tộc ta bao gồm: “lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, lao động cần cù và sáng tạo; tinh thần nhân đạo, lòng yêu thương và quý trọng con người, trong đó yêu nước là bậc thang cao nhất trong hệ thống giá trị đạo đức của dân tộc”(2) . GS. Nguyễn Hồng Phong, đưa ra quan niệm: “tính cách dân tộc gần như là tất cả nội dung của giá trị đạo đức truyền thống, bao gồm: tính tập thể - cộng đồng; trọng đạo đức; cần kiệm, giản dị, thực tiễn; tinh thần yêu nước bất khuất và lòng yêu chuộng hòa bình, nhân đạo; lạc quan(3). Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, một lần nữa nhấn mạnh: Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân-gia đình- làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử; tính giản dị trong lối sống…” (4).
Từ những quan điểm trên, ta có thể có thể khẳng định: Giá trị đạo đức truyền thống là toàn bộ những tư tưởng, tình cảm, những chuẩn mực, quy tắc, phong tục, tập quán đạo đức được truyền từ đời này sang đời khác và được mọi người hay một cộng đồng người nhất định tự nguyện noi theo.
Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một di sản giá trị đạo đức truyền thống vô cùng phong phú, trong đó, bao gồm các giá trị điển hình sau: Tinh thần yêu nước; Lòng thương người sâu sắc; Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng sâu sắc; Tinh thần lao động cần cù, tiết kiệm.
Tinh thần yêu nước, là giá trị đạo đức cao quý nhất của dân tộc Việt Nam, là chuẩn mực đạo đức đứng đầu trong thang bậc giá trị truyền thống. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(5)
Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng sâu sắc, là một giá trị được tạo nên từ trong chiều sâu văn hóa dân tộc. Trong lịch sử dựng xây đất nước, người dân Việt Nam luôn tương trợ, hợp tác, giúp đỡ nhau tạo nên sức mạnh vật chất chiến thắng mọi thế lực xâm lược và thiên tai. Từ thực tiễn đấu tranh chống lại sự xâm lăng của kẻ thù, chế ngự và làm chủ thiên nhiên,..ông cha ta đã nhắc nhở, răn dạy: "đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết" hay "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Bởi thế, tinh thần đoàn kết là nguồn sức mạnh nội sinh giúp nhân dân ta vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên và đánh thắng mọi thế lực xâm lược. Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước và là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước, là động lực mạnh mẽ trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Tinh thần đoàn kết cộng đồng là nét quan trọng trong ý thức và tâm hồn của người Việt Nam.
Tinh thần lao động cần cù, tiết kiệm, cần cù, tiết kiệm là một giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ta, được hình thành do điều kiện sản xuất và đấu tranh xã hội trong lịch sử dân tộc. Thể hiện ý thức trách nhiệm của mỗi người trong cuộc sống, trong sự nghiệp phát triển đất nước. Cần cù gắn liền với tiết kiệm, cần mà không kiệm thì cuộc sống trở nên bấp bênh. Kiệm mà không cần thì không có gì để kiệm. Do đó, trong cuộc sống phải biết khéo léo lo toan, sắp xếp hợp lý, tránh những lãng phí không cần thiết.
Bên cạnh đó, dân tộc Việt Nam còn có nhiều giá trị đạo đức khác tạo nên cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam như: đức tính khiêm tốn, lòng thuỷ chung, tính trung thực, khát vọng và yêu chuộng hòa bình,..Những đức tính này không tồn tại riêng rẽ mà liên quan đến nhau, đức tính này là điều kiện, là biểu hiện của đức tính kia. Người ta không thể nói yêu Tổ quốc mà không yêu thương con người, không có lòng nhân ái, bao dung. Thương người cũng là ý thức về tính cộng đồng, về lý tưởng phục vụ cộng đồng, về việc biết đặt cái chung lên trên cái riêng. Chỉ có yêu nước, con người lao động cần cù, sáng tạo để kiến tạo cuộc sống của mình và gia đình, mà gia đình là hạt nhân, là nền móng của xã hội. Do đó, làm giàu cho gia đình chính là làm giàu cho xã hội,..Chính những giá trị đạo đức truyền thống ấy đã tạo nên những thiên sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng định hướng tư tưởng, tình cảm, hành động của con người Việt Nam trong suốt quá trình phát triển.
3. Giá trị đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam
Truyền thống đạo đức của người phụ nữ Việt Nam là một bộ phận cấu thành truyền thống đạo đức dân tộc, là ngoại diên nằm trong nội hàm khái niệm truyền thống đạo đức dân tộc, truyền thống quý giá ấy đã được Bác Hồ viết trong thư gửi phụ nữ toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày phụ nữ Quốc tế: Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù.
Cố Tổng bí thư Đỗ Mười đã khẳng định: “Truyền thống và phẩm giá của phụ nữ nước ta được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử. Đó là lòng yêu nước, tình nhân ái, đức hy sinh, trí thông minh, tiêu biểu cho nhân cách Việt Nam. Tám chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" mà Bác Hồ kính yêu và nhân dân trao tặng phụ nữ nước ta, chính là sự đúc kết một cách sâu sắc truyền thống vẻ vang và phẩm giá cao đẹp đó”(6).
Từ cách tiếp cận về giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, có thể rút ra những nét tiêu biểu của giá trị đạo đức truyền thống dân tộc biểu hiện ở phụ nữ Việt Nam: Yêu nước, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang; Yêu thương chồng con; Phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc; Năng động, sáng tạo,..
Lòng yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên vị trí hàng đầu những giá trị đạo đức cao cả của người phụ nữ Việt Nam. Lịch sử đã khắc sâu một chân lý: Phụ nữ Việt Nam không chỉ lo việc nhà mà còn lo việc nước. Bởi lẽ, ở Việt Nam, Nước - Nhà - Làng và Làng - Nhà - Nước không tách rời nhau, đó là những tiếng thân thương, quen thuộc trong tâm thức của con người Việt, nó biểu thị rõ nét, cô đúc và sánh đặc sự gắn bó của các tổ chức xã hội Việt Nam xưa. Con người Việt Nam nói chung, người phụ nữ nói riêng luôn ý thức được rằng: nước mất thì nhà tan. Vì thế, cứu nước không chỉ là nhiệm vụ của đàn ông, của người nam giới mà cũng là nhiệm vụ của đàn bà, của người phụ nữ. Mặt khác, trong các biến cố của lịch sử, của đời sống xã hội, người dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ và trẻ em. Lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc cũng là những trang sử bi hùng về hình ảnh người phụ nữ, kẻ thù không chỉ “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn” mà còn “Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”. Trước những nỗi đau xé lòng đó, người phụ nữ chỉ còn con đường đứng lên cầm vũ khí, tham gia vào những cuộc đấu tranh chống xâm lược vừa để bảo vệ giang sơn bờ cõi, vừa để bảo vệ những đứa con mà mình rứt ruột mang nặng sinh thành.
Trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, biết bao thế hệ phụ nữ đã trở thành anh hùng, đi vào sự bất tử, tạo thành dáng đứng của dân tộc trong những lần vận nước gặp nguy nan, từ thời đại Bà Trưng, Bà Triệu đến “đội quân tóc dài” thời đại mới. Người phụ nữ Việt Nam luôn nêu cao tấm gương “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Đấy là những nữ anh hùng tiêu biểu cho tinh hoa dân tộc, góp phần tạo nên bản anh hùng ca cách mạng của phụ nữ Việt Nam.
Truyền thống đánh giặc của Bà Trưng, Bà Triệu đã được phụ nữ Việt Nam kế thừa và phát huy từ thế hệ này qua thế hệ khác. Không chỉ có một Trưng Vương, mà còn có hàng vạn Trưng Vương vô danh khác đã góp phần xương máu của mình tạo nên truyền thống đánh giặc, giữ nước quý báu của người phụ nữ, khiến kẻ thù khiếp sợ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã kiên cường, anh dũng đấu tranh với kẻ thù trên tất cả các mặt trận. Lịch sử sẽ mãi ghi ơn sự chiến đấu, hy sinh cao cả, dũng cảm của người phụ nữ Việt Nam - những người không chỉ dâng hiến cuộc đời mình cho nền độc lập của dân tộc mà còn dâng hiến cho Tổ quốc những người con ưu tú, dấu nỗi đau lặn sâu trong góc khuất trái tim mình, người phụ nữ lại hiên ngang sống và lao động sản xuất.
 Ngày nay, tiếp nối truyền thống vẻ vang, bằng thành tích học tập, lao động và chiến đấu của mình, phụ nữ Việt Nam đang nỗ lực công hiến và thực sự trở thành những tấm gương đạo đức về lòng yêu nước, viết tiếp những trang sử vàng về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Từ những phân tích trên có thể khẳng định: trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước, xây dựng đất nước của dân tộc đã rèn luyện và hình thành nên những giá trị đạo đức phổ quát và bền vững ở người phụ nữ Việt Nam đó là: Lòng yêu nước nồng nàn, khí phách anh hùng, kiên cường, bất khuất và ý chí tự cường dân tộc.
Phụ nữ Việt Nam không chỉ đánh giặc giỏi mà họ còn rất cần cù, đảm đang trong sản xuất, trong công việc gia đình và tham gia hoạt động xã hội. Từ xưa tới nay, phụ nữ giữ vị trí không thể thiếu trong gia đình. Họ lo toan chi phí kinh tế, đảm nhận những công việc rất đặc trưng của nữ giới, đó là "nữ công gia chánh". Trong lịch sử, phụ nữ nước ta luôn khẳng định vai trò quan trọng và có những đóng góp to lớn, vào quá trình phát triển của dân tộc. Truyền thống ấy ngày càng được bồi đắp và phát triển phong phú, tạo nên danh hiệu cao quý cho người phụ nữ Việt Nam hiện đại “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhấn mạnh: Trên chặng đường chuyển hóa từ mẫu hệ sang phụ hệ và cả mãi về sau này nữa - xã hội Việt Nam cổ truyền đã thừa hưởng và vẫn bảo lưu một truyền thống vững chắc và tốt đẹp, đó là vai trò quan trọng của người đàn bà, người mẹ trong gia đình, ngoài xã hội.
Cùng với những đức tính cần cù, đảm đang, phụ nữ Việt Nam còn có lòng yêu thương chồng con hết mực. Là người vợ, người phụ nữ hết lòng yêu thương chồng, chăm lo cho chồng, cùng chồng chia sẻ mọi công việc trong sản xuất, chăm sóc giáo dục con cái, trong đánh giặc bảo vệ Tổ quốc và trong sinh hoạt cộng đồng. Trong gia đình người nông dân Việt Nam hình ảnh vợ chồng cùng nhau gánh vác công việc chung,..Dưới chế độ cũ, bao nhiêu nỗi lo chồng chất trên đôi vai mềm mại, gầy yếu mà vô cùng đảm đang của người mẹ, người vợ. Tuy vất vả, nhưng người phụ nữ vẫn luôn dịu dàng, thủy chung, tảo tần khuya sớm quan tâm chăm sóc chồng, con, sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng của mình cho gia đình. Họ chỉ mong góp phần cho sự sống và thăng tiến của chồng, con, mà không có yêu cầu cho riêng mình. C.Mác - Ph.Ăngghen khẳng định: "Sự phân công lao động đầu tiên là sự phân công giữa đàn ông và đàn bà trong việc sinh con đẻ cái"(7).
Trong gia đình, cùng với người chồng, người phụ nữ là người thường xuyên trực tiếp nuôi dạy con cái, họ dịu hiền và khéo léo. Hình ảnh người mẹ với những lời mẹ dạy có ảnh hưởng lâu bền đối với quá trình phát triển của con cái, đặc biệt là trong lĩnh vực thẩm mỹ, văn hóa gia đình, vai trò của người mẹ chiếm ưu thế tuyệt đối. Người phụ nữ chính là người thầy giáo đầu tiên của con cái mình. Chính những lời dạy bảo con cái của người mẹ, những làn điệu dân ca, dân vũ, những lời ru, câu hát ngọt ngào mang đậm dấu ấn truyền thống văn hiến dân tôc Việt mà người mẹ đưa con vào giấc ngủ say nồng đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển tinh hoa của nền văn hóa dân tộc. Từ những lời ru, tiếng nói, cử chỉ hàng ngày, đến những câu chuyện cổ tích phản ánh cuộc sống lao động sản xuất và tâm hồn người Việt đưa con vào giấc ngủ, người mẹ đã truyền cho con tình yêu quê hương, đất nước, đạo lý làm người,..nền văn hóa dân tộc đã được người phụ nữ truyền cho thế hệ mai sau một cách tự giác và thường xuyên.
Tóm lại, những phẩm chất quý báu, các giá trị đạo đức truyền thống cơ bản của phụ nữ Việt Nam đó là: Yêu nước, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, thủy chung, yêu thương chồng con, phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc đã và đang được phụ nữ cả nước kế thừa phát huy trong thời kỳ lịch sử mới. Những giá trị đó vẫn luôn được các thế hệ phụ nữ kế tiếp nhau trong lịch sử trân trọng giữ gìn, phát huy và tùy theo những hoàn cảnh lịch sử của từng thời đại mà được phát triển, bổ sung những phẩm chất mới làm phong phú và bền vững thêm các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.
==================================
Danh mục tài liệu tham khảo
(1) Trần Văn Giàu (1993), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
(2) Vũ Khiêu (1974), Đạo đức học, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội.
(3). Nguyễn Hồng Phong (1963), “Tìm hiểu tính cách dân tộc”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
(4). Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
(5). Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
(6) .Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (1997), Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
 (7). C.Mác và Ph.Ănghen (1961), Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Nguyễn Đức Khiêm - Tổ Lý luận chính trị
Từ khóa: n/a







Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ý kiến bạn đọc
 

Bộ đếm

Đang truy cậpĐang truy cập : 5

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 4


Hôm nayHôm nay : 1849

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 6400

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4507237

Văn bản chỉ đạo các cấp

Văn bản học tập chính trị
Học chế tín chỉ
Danh sách giảng viên cơ hữu
DANH SÁCH THÍ SINH ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN SINH CAO ĐẲNG 2015
Thông báo tuyển sinh
Chuan dau ra cac nganh
Bo ngoai giao
vinades