Game nổ hũ quốc tế - Trò chơi đổi thưởng hay nhất năm 2024


Trang nhất » Tin Tức » Bài viết - Trao đổi

Phương pháp dạy học nêu vấn đề và vận dụng phương pháp này trong giảng dạy môn “những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa mác - lênin”

Chủ nhật - 11/10/2015 09:43

Phương pháp dạy học nêu vấn đề và vận dụng phương pháp này trong giảng dạy môn “những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa mác - lênin”

1. Khái niệm, đặc điểm và quy trình của phương pháp dạy học nêu vấn đề
Phương pháp là con đường, cách thức để đạt tới mục đích. Trong hoạt động dạy học, phương pháp là con đường, cách thức mà người thầy sử dụng để hướng dẫn người học tiếp nhận tri thức khoa học nào đó. Hệ thống các phương pháp dạy học (PPDH) môn “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin” gồm nhiều phương pháp khác nhau: thuyết trình, đàm thoại, phân tích, thảo luận nhóm, giảng giải, nêu vấn đề,..Vận dụng các phương pháp khác nhau trong quá trình dạy học không phải là vấn đề mới, trong đó có phương pháp nêu vấn đề (PPNVĐ). Tuy nhiên, ở nước ta vấn đề này còn khá mới mẻ, việc nghiên cứu và vận dựng PPDHNVĐ là một bước tiến của khoa học sư phạm trong việc tìm kiếm các phương pháp mang lại hiệu quả cao trong quá trình dạy học. Vậy PPDHNVĐ là gì? đặc điểm và quy trình kiến lập như thế nào?
Nhà nghiên cứu giáo dục V.O.Kôn cho rằng: “Dạy học nêu vấn đề là toàn bộ các hoạt động như tính chất, tình huống có vấn đề, biểu đạt các vấn đề, chú ý giúp đỡ sinh viên những điều cần thiết để giải quyết vấn đề, kiểm tra cách giải quyết đó và cuối cùng là quá trình hệ thống hóa, củng cố các kiến thức tiếp thu”(1). Nhà giáo dục I.Ia.Lecce thì cho rằng: “Dạy học nêu vấn đề là phương pháp dạy học trong đó sinh viên tham gia một cách có hệ thống vào quá trình giải quyết các vấn đề và các bài toán có vấn đề được xây dựng theo nội dung tài liệu trong chương trình”(2), tác giả Phùng Văn Bộ thì cho rằng: “Phương pháp nêu vấn đề là phương pháp dạy học dựa trên sự điều khiển quá trình học tập, phát huy tính độc lập tư duy nhận thức của đối tượng người học.”(3).
Từ những điểm tương đồng trong các định nghĩa trên, ta có thể hiểu PPDHNVĐ là một PPDH mà ở đó quá trình dạy - học được tổ chức bằng cách tạo ra tình hướng có vấn đề (THCVĐ) và triển khai quá trình giải quyết THCVĐ đó nhằm tạo ra ở người học nhu cầu tự phát hiện và giải quyết các nhiệm vụ học tập để tiếp thu tri thức, rèn luyện kỹ năng và hình thành tư tưởng, thái độ. Với cách hiểu đó, ta rút ra các đặc điểm sau:
Thứ nhất, THCVĐ đề là yếu tố là hạt nhân và trọng tâm của PPDHNVĐ. Vấn đề có thể là một sự kiện, một tình huống trong bài học hay một hiện tượng đã và đang diễn ra trong thực tiễn cuộc sống chứa đựng mâu thuẫn cần lý giải. THCVĐ là tình huống giảng viên đặt ra cho người học những bài toàn nhận thức chứa đựng mâu thuẫn giữa tri thức đã biết với tri thức phải tìm. Đây là động lực, nhân tố kích thích xuất hiện ở người học nhu cầu tìm kiếm thông tin và sử dụng các thao tác của tư duy để tìm lời giải thỏa đáng. Mâu thuẫn này là hạt nhân của các bài toán nhận thức, giải quyết được bài toán này người học lĩnh hội được nội dung tri thức một cách tự giác, tích cực và khơi nguồn cho sự nhận thức sáng tạo.
THCVĐ biểu thị mâu thuẫn giữa thực tiễn đang biến đổi, phát triển và trình độ hạn chế của tri thức vốn có, giữa giới hạn trật hẹp của tri thức cũ với nhu cầu nhận thức ngày càng cao của con người. Mặc dù vậy, không phải bao giờ THCVĐ cũng xuất hiện mà chỉ xuất hiện khi có các điều kiện như: tính chất và nội dung tài liệu đang được nghiên cứu chứa đựng mâu thuẫn khách quan; vấn đề đặt ra gây được trạng thái bức xúc cho quá trình nhận thức, quá trình tư duy. Có thể nói, sự sáng tạo của con người chỉ xuất hiện trước các THCVĐ của tư duy bởi bản chất của THCVĐ đã chứa đựng nội dung cần xác định, đặt ra nhiệm vụ cần giải quyết, vướng mắc cần tháo gỡ,..giải quyết mâu thuẫn này sẽ đem lại cho con người những tri thức mới. Cũng như các môn khoa học khác, môn “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin” chứa đựng nhiều THCVĐ. Xuất phát từ nội dung, đặc điểm tri thức và đối tượng nghiên cứu của môn học, giảng viên tiến hành thiết kế các bài tập nhận thức chứa đựng mâu thuẫn giữa tri thức đã biết và tri thức cần tìm. Đó là quá trình cấu trúc lại một cách sư phạm mâu thuẫn khách quan tồn tại trong bản thân tri thức khoa học của môn học thành mâu thuẫn chủ quan trong quá trình nhận thức của sinh viên - đây là nhân lõi kích thích sự hoạt động của tư duy, khơi dậy tiềm năng và năng lực nhận thức của sinh viên để giải quyết vấn đề đang đặt ra.
 Dựa vào các kiểu mẫu thuẫn và đặc thù tri thức khoa học của môn học, có thể xuất hiện một số kiểu THCVĐ cơ bản sau: Tình huống nghịch lý, tình huống lựa chọn, tình huống bác bỏ và tình huống tại sao. Tùy từng bài giảng, phần giảng và trình độ nhận thức của sinh viên mà giảng viên đưa ra THCVĐ cho phù hợp.
Thứ hai, người học tự tìm kiếm thông tin để giải quyết vấn đề dưới sự dẫn dắt, định hướng của người thầy. Nhiệm vụ giải quyết các THCVĐ không phải của người dạy mà là của người học. Quá trình người học tự giải quyết THCVĐ được biểu hiện bằng các thao tác tìm kiếm mối quan hệ giữa vấn đề được nêu ra với vốn tri thức đang sở hữu của bản thân. Tuy vậy, người thầy cần lưu ý: có thể học trò không đủ khả năng để giải quyết THCVĐ đang đặt ra hoặc quá dễ dàng. Không chú ý tới độ khó của nội dung tri thức cũng như khả năng tiếp thu của người học thì THCVĐ đưa ra sẽ vượt quá khả năng nhận thức của sinh viên, ngược lại, ngay từ đầu người thầy đã đưa ra những gợi mở hoặc can thiệp quá sâu vào THCVĐ sẽ triệt tiêu ý nghĩa và tính chất của tình huống đặt ra. Vì vậy, khi sử dụng PPDHNVĐ trong quá trình truyền thụ tri thức của môn học, giảng viên nên giúp đỡ sinh viên, nhưng cần đảm bảo sự tham gia của họ một cách độc lập để sinh viên phải động não, sử dụng các thao tác tư duy thông qua việc hoài nghi, dự kiến, tưởng tượng, dự đoán kết quả, nhờ đó năng lực tư duy được phát triển.
Người học giữ vị trí trung tâm trong PPDHNVĐ nhưng không vì thế mà mâu thuẫn với vai trò chỉ đạo, định hướng của người thầy. Vai trò này được thể hiện: Dựa vào nội dung bài học để xác định mâu thuẫn khách quan của các bài toán nhận thức; Xác lập phương pháp để giải quyết vấn đề; Chuẩn bị các câu hỏi gợi mở; Tổng kết, khái quát những tri thức mà người học cần lĩnh hội tạo nền tảng vững chắc để tiếp nhận các đơn vị kiến thức tiếp theo.
Thứ ba, quy trình sử dụng PPDHNVĐ là một trình tự gồm nhiều giai đoạn từ khâu khởi đầu đến khâu kết thúc của quá trình dạy học. Do đó, việc phân chia các giai đoạn trong quá trình sử dụng phương pháp này cần đảm bảo tính hệ thống, tính khoa học và phù hợp với các quy luật của quá trình nhận thức. Quy trình này gồm giai đoạn cơ bản sau:
(1). Xây dựng THCVĐ - bước quan trọng quyết định toàn bộ quá trình tổ chức hoạt động dạy - học. Nhiệm vụ của giai đoạn này là kích thích não bộ người học hoạt động có mục đích, tạo cho người học trạng thái tâm lý hưng phấn, xuất hiện nhu cầu nhận thức và thái độ sẵn sàng khám phá tri thức mới. Khi tạo ra được mâu thuẫn giữa cái đã biết với cái chưa biết, người thầy cần đưa mâu thuẫn này vào quá trình nhận thức của sinh viên để họ thấy được sự tồn tại hiển nhiên của mâu thuẫn trong bài toán nhận thức.
THCVĐ gồm nhiều dạng khác nhau, song dù dạng nào cũng có cấu trúc: Cái cần tìm và cái đã biết. Để xây dựng được THCVĐ, người thầy phải quán triệt được mục tiêu của từng bài dạy, xác định rõ từng đơn vị kiến thức, phân tích cấu trúc nội dung bài giảng và sắp xếp theo một trật tự. Khi những vấn đề học tập biến thành nhu cầu nhận thức của người học thì họ là chủ thể của quá trình nhận thức. Do đó, người thầy cần tạo sự chuyển hóa mâu thuẫn của quá trình dạy thành mâu thuẫn của quá trình học.
(2). Giải quyết vấn đề - giai đoạn cơ bản, cần đầu tư nhiều thời gian nhất. Mục đích của giai đoạn này là làm sáng tỏ bản chất của vấn đề đặt ra trong bài toán nhận thức. Dưới sự định hướng của thầy, sinh viên phải đưa ra được các phương án, biện pháp để giải quyết THCVĐ trong tư duy một cách trọn vẹn. Giai đoạn này diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau: Tổ chức tranh luận cả lớp; Chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ; Bản thân cá nhân mỗi sinh viên độc lập suy nghĩ, tự giải quyết vấn đề.
(3). Hệ thống hóa và tổng hợp tri thức - giai đoạn cuối của quy trình áp dụng PPDHNVĐ. Mục đích của giai đoạn này là củng cố, khắc sâu những tri thức khoa học mà sinh viên đã lĩnh hội. Đồng thời, hướng dẫn sinh viên vận dụng những kiến thức đó vào thực tế cuộc sống, lý giải được các vấn đề xẩy ra trong thực tiễn.
   2.Vận dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề trong giảng dạy môn ‘‘Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin’’
Bất cứ môn học nào cũng chứa đựng một hệ thống tri thức khoa học tạo nên tính đặc thù của môn học. Đặc thù tri thức khoa học của môn học là cơ sở quan trọng để xác định các phương pháp dạy học phù hợp. Môn ‘‘Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin’’ có nhiệm vụ xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản cho thế hệ trẻ, trang bị cho người học phương pháp luận của nhận thức khoa học và hoạt động thực tiễn cách mạng, là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột và tiến tới giải phóng con người cũng như những quy luật kinh tế - chính trị - xã hội. Mục tiêu này được phản ánh trong toàn bộ nội dung chương trình của môn học và là minh chứng cho sự cần thiết phải sử dụng PPNVĐ trong giảng dạy môn học, vì:
Thứ nhất, tri thức của môn học có tính hệ thống và tổng hợp từ nhiều tri thức của các bộ môn khoa học khác nhau. Nội dung tri thức của môn học bao quát các lĩnh vực khoa học rộng lớn mang nhiều giá trị khoa học và thực tiễn. Mặt khác, môn học được cấu thành từ ba bộ phận lý luận cơ bản, có mối quan hệ thống nhất biến chứng với nhau: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Ba bộ phận lý luận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin có đối tượng nghiên cứu khác nhau nhưng đều nằm trong một hệ thống lý luận khoa học thống nhất - khoa học về sự nghiệp giải phóng con người và xã hội loài người khỏi áp bức, bóc lột và khổ đau. Những nguyên lý, quy luật của triết học và kinh tế chính trị học có ý nghĩa là tiền đề quan trọng để đi sâu khám phá những quy luật đấu tranh chính trị - xã hội, luận giải thấu đáo các phạm trù trong phần chủ nghĩa xã hội khoa học. Ví dụ, để lý giải sâu sắc luận điểm: ‘‘sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản và sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản là tất yếu như nhau’’, giảng viên cần vận dụng luận điểm: Sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên của chủ nghĩa duy vật lịch sử và quy luật sản xuất giá trị thặng dư của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, tính hệ thống của môn học còn được thể hiện: các khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật của ba bộ phận lý luận cấu thành chủ nghĩa Mác có mối quan hệ chặt chẽ với nhau tạo nên tính lôgíc hệ thống cho môn học. Chính điều này, đòi hỏi giảng viên cần phải đặc biệt quan tâm đến PPDHNVĐ nhằm khơi dậy, phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên.
Hai là, tri thức môn học mang tính khái quát hóa, trừu tượng hóa cao, tính chính trị sâu sắc đòi hỏi người học phải có ý chí cao, đạo đức và tình cảm cách mạng, đảm bảo tính tư tưởng, cách mạng là yêu cầu tối quan trọng của môn học. Tri thức môn học đặt ra yêu cầu cho cả người dạy và người học phải có thái độ chính trị rõ ràng, đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, quan điểm của Đảng cộng sản - Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc. Đây là môn học đặt các giá trị thể nền cho việc hình thành thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng cộng sản, tính tích cực chính trị - xã hội của công dân,.. Tuy nhiên, thế giới quan đậm chất nhân văn đó chỉ được hình thành một cách vững chắc thông qua quá trình độc lập suy nghĩ và tự lực nghiên cứu của người học. V.I.Lênin viết: ‘‘không có lao động độc lập đến mức nhất định, không thể tìm thấy chân lý trong bất kỳ vấn đề quan trọng nào và ai sợ lao động thì bản thân người đó tước mất của mình khả năng đi tìm chân lý’’(4).
Đặc trưng nổi bật của PPDHNVĐ là người học tự tiếp cận và giải quyết các THCVĐ, điều này rèn luyện cho sinh viên kỹ năng biết tranh luận để mài sắc tư duy, bảo vệ các luận điểm khoa học trước sự tấn công của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng. Đồng thời, cũng là quá trình bồi dưỡng, nâng cao niềm tin vào thế giới quan khoa học và tình cảm cách mạng cho sinh viên. V.I.Lênin đã nhấn mạnh: ‘‘chỉ khi nào các bạn học được cách giải quyết vấn đề một cách độc lập - chỉ khi đó bạn mới cho mình đủ vững vàng trong quan điểm của mình và đủ sức bảo vệ nó một cách thành công trước bất kỳ ai và bất kỳ tình huống nào’’(5).
Ba là, tri thức môn học mang tính lý luận cao, tính thực tiễn sâu sắc. Đây là đặc trưng dễ thấy và có ý nghĩa vô cùng quan trọng để lựa chọn PPDHNVĐ khi giảng dạy môn học. Sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, môn học ‘‘Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin’’ nói riêng, ngoài hệ thống các luận điểm có tính khoa học sâu sắc, lôgíc mạch lạc, sắc bén về chính trị còn được thể hiện bởi sự vận dụng vào đời sống xã hội hiện thực. Do vậy, trong quá trình trao truyền và lĩnh hội tri thức khoa học của môn học cả giảng viên và sinh viên không thể né tránh các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Giảng viên không chỉ dừng lại ở việc mô tả, liệt kê, giảng giải những nội dung tri thức khoa học, mà quan trọng hơn là phải đưa ra và giải quyết các THCVĐ. Dùng cơ sở thực tiễn để luận giải các nguyên lý, quy luật, phạm trù, kiến lập sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc quan trọng trong giảng dạy bộ môn.
Hơn nữa, sử dụng PPDHNVĐ còn khắc phục được tâm lý cho rằng đây là môn học mang tính chất bắt buộc, khô khan, khó hiểu, ít có tính ứng dụng, không liên quan đến chuyên môn của người học,..Qua các THCVĐ được chọn lọc, giảng viên dễ dàng khơi mở hứng thú khám phá, tìm tòi - phẩm chất quan trọng của thế hệ trẻ, tạo cơ hội để sinh viên bộc lộ những tâm sự cũng như sự trăn trở của cá nhân trước những vấn đề của đất nước và thời đại có liên quan đến nội dung tri thức khoa học trong bài học. Mặt khác vừa làm cho tri thức của bài học sâu sắc hơn nhờ có sự tranh luận, va chạm giữa ý kiến của các nhóm vừa rèn luyện kỹ năng hợp tác và chia sẻ thông tin cho sinh viên.
Theo lý luận dạy học hiện đại, sử dụng PPDHNVĐ trong môn ‘‘Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin’’ hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay, đổi mới PPDH không chỉ hướng đến mục tiêu giúp người học tiếp cận được hệ thống tri thức chuyên môn hiện đại mà quan trọng hơn là trang bị cho người học hệ thống các kỹ năng, kỹ xảo cần thiết để họ tự giải quyết những THCVĐ trong tư duy cũng như những vấn đề phức tạp do cuộc sống đặt ra. Lý luận khoa học bắt nguồn từ thực tiễn, nhưng chỉ thực sự phát huy tác dụng và trở thành chân lý khi được vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Do vậy, để lý luận của chủ nghĩa Mác có sức sống trường tồn, đúng bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn vốn có của mình thì sử dụng các PPDH hiện đại, trong đó có PPNVĐ là việc làm cần thiết bởi:
Thứ nhất, tạo cơ hội cho sinh viên phát huy được trí tuệ, tư duy, óc sáng tạo, cố gắng, nỗ lực suy nghĩ tìm ra cách giải quyết tối ưu trước những vấn đề mà bài học đặt ra, đặc biệt là các vấn đề có tính quy luật như: Con đường biện chứng của quá trình nhận thức; Sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên; Quy luật giá trị; Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân,..giúp sinh viên phát huy được khả năng học tập tiềm ẩn của bản thân.
Thứ hai, hình thành và bồi dưỡng cho sinh viên lòng ham học hỏi, khả năng tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi và khám phá tri thức. Tự tìm lời giải cho các bài toán nhận thức dưới sự hướng dẫn, định hướng của giảng viên, một mặt sinh viên tiếp thu tri thức một cách trọn vẹn, mặt khác tiếp thu cả phương pháp nhận thức - đó là công cụ giúp người học không ngừng tự lực tìm kiếm những tri thức mới.
Thứ ba, Giúp giảng viên kiểm tra, đánh giá năng lực nhận thức, tiếp cận và giải quyết vấn đề của sinh viên một cách tương đối chính xác qua hoạt động tự học, tự nghiên cứu. Qua đó, đánh giá được ý thức của sinh viên trong việc hợp tác làm việc nhóm, tự học,...Những thông tin thu được này không chỉ giúp giảng viên phân loại được khả năng, trình độ nhận thức của sinh viên để có biện pháp giáo dục thích hợp mà còn giúp giảng viên thường xuyên tự điều chỉnh phương pháp dạy của mình. Như thế, trong một chừng mực nào đó, sử dụng PPDHNVĐ ở môn học này lại là quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện, tu dưỡng và trau dồi cả về tri thức chuyên môn lẫn kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp cho người thầy.
Thứ tư, phương pháp này không chỉ tích cực hóa hoạt động của trò mà còn làm cho hoạt động của thầy cũng trở nên tích cực hơn. Một mặt, thầy trở thành người nhạc trưởng, người tổ chức và điều khiển hoạt động nhận thức của trò nên các hoạt động giáo dục của thầy cũng đa dạng, phức tạp và khó khăn hơn, mặt khác đặt ra yêu cầu, đòi hỏi người thầy phải không ngừng học tập, tự bồi dưỡng những phẩm chất và năng lực cá nhân nhằm đảm bảo hiệu quả trong toàn bộ quá trình dạy - học nói chung, quá trình sử dụng PPDH này nói riêng.
Tóm lại, Hoạt động của con người bao giờ cũng là hoạt động nhằm đạt tới một mục đích nhất nào đó. Để đạt được mục đích, thì mọi hoạt động luôn dựa trên cơ sở của tri thức và sự hiểu biết đúng đắn về đối tượng, về hiện thực khách quan, được thực hiện với những công cụ, phương tiện, cách thức phù hợp, đặc biệt là không thể thiếu phương pháp, cách thức tác động vào đối tượng.
==============================
Danh mục tài liệu tham khảo
 (1) Phùng Văn Bộ, Một số vấn đề về phương pháp giảng dạy và nghiên cứu triết học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr 90
(2) I.Ia.Lecnen, Dạy học nêu vấn đề, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1976, tr 6
(3) V.I.Lênin Toàn tập, Tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 68
(4) Sđd Tập 39, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 65
(5) V.O.Kon, Những cơ sở dạy học nêu vấn đề, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1976, tr 103.
 
    Nguyễn Đức Khiêm - Tổ Lý luận chính trị   
Từ khóa: n/a







Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ý kiến bạn đọc
 

Bộ đếm

Đang truy cậpĐang truy cập : 20


Hôm nayHôm nay : 986

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 6869

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4507706

Văn bản chỉ đạo các cấp

Văn bản học tập chính trị
Học chế tín chỉ
Danh sách giảng viên cơ hữu
DANH SÁCH THÍ SINH ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN SINH CAO ĐẲNG 2015
Thông báo tuyển sinh
Chuan dau ra cac nganh
Bo ngoai giao
vinades