Thứ tư - 26/11/2014 04:37
Vai trò của người thầy giáo trong xã hội hiện đại
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Xã hội loài người đã trải qua nhiều chế độ xã hội khác nhau, nhiều phương thức sản xuất khác nhau, vị trí, vai trò của người giáo viên trong từng chế độ đó cũng được quan niệm khác nhau, nhưng ý nghĩa xã hội to lớn của nghề dạy học là không ai phủ nhận được. Nhìn chung, các dân tộc trên thế giới qua các thời đại đều đánh giá cao vai trò của người thầy giáo.
Cách đây 400 năm, J.A.Cômen xki đã gọi người giáo viên là người “ chuyển giao ngọn đuốc của nền văn minh”, “ sợi dây chuyền giữa các thế hệ” và coi chức vụ mà xã hội trao cho người giáo viên là chức vụ quang vinh mà dưới ánh mặt trời này không có chức vụ nào ưu việt cho bằng. A.Đixtecvec nhận định: “chính giáo viên là những người gieo hạt giống, không có giáo viên thì thế giới sẽ lùi lại chỗ dã man. K.Đ.Usinxki cũng đã khẳng định: “sự nghiệp dạy học trông bề ngoài thì bình thường, nhưng đó là sự nghiệp vĩ đại nhất của lịch sử loài người” ... Nhiều lời ca ngợi và nhiều danh hiệu cao quý được trao cho người giáo viên: “ Người kỹ sư tâm hồn”; “viên kim cương của nhân loại”, “ người gieo hạt giống vàng của chân lý”, “ nhà kiến trúc mẫu người tương lai của đất nước” ...
Nước ta có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, truyền thống đó vẫn được bảo tồn và phát triển, người giáo viên vẫn luôn được nhân dân yêu mến và ca ngợi. Từ xưa đến nay, trong dân gian ai cũng thuộc câu: “ không thày đối mày làm nên”, “ Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”: Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy... Cả đến khi công thành doanh toại, người ta cũng nhắc nhau: “ Mười năm rèn luyện sách đèn, công danh gặp bước chớ quên ơn thầy”.
Ở thời kỳ phong kiến - khi mà tri thức là thầy, thầy là tri thức, thầy có quyền ban phát tri thức cho người học. Thì thời đại ngày nay, tri thức không còn nằm độc quyền trong tay người thầy nữa mà bản thân người học có thể tìm kiếm tri thức ở nhiều nguồn khác nhau, người thầy lúc này chỉ là người cầu nối, là một trong những kênh để cung cấp tri thức cho người học.
Do vậy trong thời đại ngày nay, giáo dục luôn được xem là động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, vai trò của người giáo viên đặc biệt được coi trọng, chức năng của người giáo viên có nhiều thay đổi và yêu cầu đối với nhân cách người giáo viên cũng ngày càng cao hơn.
2. VỊ TRÍ VAI TRÒ CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN TRONG LỊCH SỬ GIÁO DỤC THẾ GIỚI.
Lịch sử phát triển của giáo dục và nhà trường qua các thời kì xã hội, đã chứng tỏ rằng trong xã hội, có giai cấp thì giai cấp thống trị bao giờ cũng dành độc quyền về giáo dục, dùng giáo dục làm công cụ, phương thức truyền bá tư tưởng chính trị, đường lối chính sách và duy trì vị trí xã hội của mình. Do vậy, giai cấp thống trị xã hội bao giờ cũng nắm lấy đội ngũ giáo viên, tìm mọi cách buộc đội ngũ giáo viên trở thành người tuyên truyền tư tưởng, thực hiện ý đồ và bảo vệ những quyền lợi của giai cấp thống trị. Xét trên quan điểm lịch sử, bất kì một chế độ xã hội nào, một giai đoạn phát triển nào của nhân loại, mục đích giáo dục vẫn là chuẩn bị một lớp người thay thế, là chăm sóc, dạy dỗ con người..., cho nên, đội ngũ giáo viên trong xã hội ấy vẫn là lực lượng chủ yếu thực hiện mục đích giáo dục. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, đã có nhiều thầy giáo dám đấu tranh với những bất công trong xã hội, có những tư tưởng tiến bộ, những đóng góp lớn lao vì một nền giáo dục tiến bộ. Họ là những tấm gương lớn về nhân cách của nhà giáo mà sử sách còn lưu truyền đến hôm nay.
Bắt đầu từ chế độ chiếm hữu nô lệ, giai cấp chủ nô đã dựng ra “ nhà trường” là nơi con cái chủ nô đến để được chăm sóc, giáo dục, chủ nô cũng uỷ quyền cho một lớp người chuyên môn làm nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục con cái họ - đó là thầy giáo. Thầy giáo dạy trực tiếp cho trò theo hình thức dạy học cá nhân, mỗi thầy một trò... Giáo dục nhằm tạo ra 2 lớp người trong xã hội: tầng lớp lao động trí óc thuộc về chủ nô, tầng lớp lao động chân tay thuộc về người nô lệ và dân tự do...
Giai đoạn phát triển tiếp theo của chế độ chiếm hữu nô lệ là chế độ phong kiến – xã hội có giai cấp với hai giai cấp chính là địa chủ và nông dân ở phương Đông, lãnh chúa và công nô ở phương Tây. Các triều đại phong kiến Trung Hoa- Quốc gia phong kiến điển hình ở phương Đông -đều dựng ra trường học riêng để giáo dục cho con cái của tầng lớp quý tộc. Do vậy, người thầy giáo trong xã hội phong kiến cũng thực hiện mục đích giáo dục đào tạo con người nhằm phục vụ cho lợi ích của tầng lớp trên của xã hội phong kiến. Chẳng hạn, Khổng Tử là một thầy giáo, từ năm 20 tuổi ông đã làm nghề dạy học và chu du khắp thiên hạ để truyền đạo lý của mình: đạo Nho- cũng là nội dung giáo dục chủ yếu trong nhà trường phong kiến. Thông qua việc dạy học đạo Nho, tầng lớp quí tộc nắm được đạo Nho và điều hành nhà nước theo đạo Nho, Khổng Tử đã tạo nên “ một nội các” đủ tài đức về mọi lĩnh vực chấp chính bộ máy xã hội phong kiến Trung Hoa theo lý tưởng đạo Nho( Khổng Tử có đến 3000 học trò, trong đó có tới 72 người tài giỏi về mọi lĩnh vực).Tuy đứng trên quan điểm của tầng lớp quý tộc vì lợi ích của giai cấp thống trị, nhưng những tư tưởng tiến bộ của Khổng Tử còn có giá trị trong thời đại ngày nay. Người thầy giáo Khổng Tử vẫn luôn coi trọng việc giáo dục đạo đức trong nhân cách của con người, đó là việc giáo dục lòng nhân ái, biết sống có trên dưới, trung thực, thuỷ chung, có kỉ cương từ gia đình đến xã hội. Ông luôn tâm niệm trau dồi đạo đức của ông thầy để người thầy luôn là tấm gương sáng cho trò noi theo. Muốn vậy, thì thầy phải dạy không biết mệt mỏi để trò không biết chán và tình cảm thầy trò như tình cha con.
Từ cuối thế kỉ XV đến giữa thế kỉ XVII, ở các nước Tây Âu, giai cấp tư sản mới ra đời như là một lực lượng tiến bộ xã hội chống lại giai cấp phong kiến, nhưng thực chất vẫn là giai cấp bóc lột. Nhiều nhà giáo dục là đại biểu trung thành của giai cấp tư sản và quý tộc mới trên con đường phát triển phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhưng họ đã có những tư tưởng giáo dục tiến bộ như đề cao vai trò của giáo dục; chủ trương giáo dục bình đẳng cho mọi trẻ em, giáo dục con người phát triển toàn diện, coi trọng khoa tự nhiên và các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của người học... Một số nhà giáo dục tiêu biểu của thời kì này là: J. A. Cômexki ( 1592 – 1670), J. Locke ( 1632- 1704), J.J.Ruxô( 1712 – 1778)...
J. A. Cômexki không chỉ là “ông tổ của nền giáo dục cận đại”, “ một thiên tài rực rỡ, một nhà phát minh lỗi lạc, một Galilê của giáo dục”, ông đồng thời cũng là một nhà giáo. Ông không dạy trẻ bằng roi vọt và hình phạt, một kiểu giáo dục lúc bấy giờ, mà bằng “ bộ mặt vui tươi, lời nói dịu dàng, nụ cười hiều hậu” và bằng các phương pháp mới kích thích ham muốn hiểu biết của trẻ, trái ngược với phương pháp giáo điều, kinh viện thời bấy giờ. Ông cho rằng giáo dục cần thiết cho mọi người, do đó giáo dục phải trở thành quyền lợi của mọi người, trước hết là đối với lứa tuổi thanh niên. “Tất cả các em trai gái, con nhà giàu cũng như con nhà thường dân ở thành phố lớn hay ở thôn xóm đều được vào trường học một cách bình đẳng”. Tuy nhiên, thực hiện một nền giáo dục bình đẳng trong xã hội bấy giờ là một điều không tưởng. Cômnexki là một thầy giáo mẫu mực, hiền hoà, tỉ mỉ giảng dạy cho trẻ trên lớp học như người làm vườn chăm chút từng mầm non. Theo ông, người thầy giáo là người có tình cảm gắn bó nhất đối với học sinh sau tình cảm ruột thịt của cha mẹ. Do đó, không thể hoàn thành được trách nhiệm của người thầy giáo nếu như không có tình yêu thương chân thật đối với học sinh.Ông khẳng định: “ Nếu anh không như một người cha thì cũng không thể là một người thầy”. Cômexki coi người thầy giáo có vai trò vô cùng to lớn đối với kết quả giáo dục, ông ví chức trách của người giáo viên như một người thợ nặn cao cả, nặn những tâm hồn trẻ thơ, hoặc như một ngọn lửa xua đuổi hết thảy những bóng tối trong trí óc, do đó dưới mặt trời, không có nghề nghiệp nào ưu việt bằng. Người thầy giáo theo quan điểm của ông, hơn ai hết là người phải có đạo đức, gương mẫu về mọi mặt vì “ trẻ em học bắt chước khi học biết”.
Từ sau cách mạng tư sản Pháp(1789) đến đầu thế kỉ XX là thời kì phát triển mạnh mẽ nhất của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tư tưởng tiến xã hội đều hướng vào việc đấu tranh với nhà nước tư sản vì một nền giáo dục tiến bộ. Giáo dục là nhu cầu chính đáng của mọi người lao động nên xu thế chung là đấu tranh cho một nền giáo dục bình đẳng. Vai trò của thầy giáo được đề cao. Nhà giáo dục tiêu biểu, đồng thời là một nhà giáo lẫy lừng người Thuỵ sỹ thời bấy giờ là Petxtalôdi(1746 – 1827). Có thể nói cả cuộc đời Petxtalôdi dành cho sự nghiệp giáo dục, nhất là giáo dục cứu vớt cho trẻ em nghèo khổ nên người. Ảnh hưởng lớn quan điểm giáo dục tự nhiên của J.J. Ruxô; Petxtalôdi cho rằng thầy giáo không được đàn áp, đè nén sự phát triển tự nhiên của trẻ em, thầy giáo phải quán triệt nguyên tắc: “ Giáo dục phải phù hợp với tự nhiên”. Nhưng với một cách nhìn đầy đủ và toàn diện hơn, ông cho rằng con người cần phải can thiệp vào sự phát triển của trẻ như là sự định hướng vào đời cho trẻ trên cơ sở quy luật tự nhiên của trẻ. Ông nói: “ Nếu chỉ chờ đợi ở tự nhiên việc phát triển mọi tiềm năng ở con người mà thiếu sự giúp đỡ từ bên ngoài thì con người được giải phóng rất chậm chạp khỏi những thuộc tính của sinh vật”. Phải chăng Petxtalôdi đã thấy rõ vai trò của giáo dục và của người giáo viên trong việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ em? Petxtalôdi cũng cho rằng mục đích giáo dục là làm phát triển mọi tiềm năng tự nhiên ở con người, cho nên cần tiến hành trên những nội dung giáo dục nhiều mặt như đức dục, trí dục, thể dục, giáo dục lao động.... Để thực hiện những nội dung đó không thể thiếu được thầy giáo. Theo ông, thầy giáo không chỉ là người có học vấn, có giáo dục mà phải biết và làm được việc giáo dục người khác. Muốn vậy, thầy giáo chỉ có thể thành công trong công tác giáo dục nếu biết tiến hành công tác giáo dục dựa trên đặc điểm phát triển tâm sinh lý của trẻ. Vì thế, tri thức về con người và về giáo dục trẻ là điều không thể thiếu được đối với thầy giáo. Mặc dù còn nhiều hạn chế trong quan điểm giáo dục do hạn chế lịch sử, nhưng Pextalôdi để lại cho đời một tấm gương sáng về lòng nhân ái, về tình thương yêu học sinh, về sự tận tuỵ với nghề và nhiều lý luận giáo dục xuất sắc.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỉ XX, các nước tư bản chủ nghĩa phát triển ở phương Tây chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Chủ nghĩa đế quốc xuất hiện làm cho mâu thuẫn vốn có giữa giai cấp tư sản và vô sản càng thêm sâu sắc. Giáo dục thời kì đế quốc chủ nghĩa hết sức đa dạng nhưng mục đích chung là chuẩn bị cho trẻ em của giai cấp tư sản có đủ năng lực để quản lý nhà nước và quản lý nền kinh tế – sản xuất hiện đại. Do đòi hỏi của nền sản xuất công nghiệp phát triển buộc giáo dục tư sản lúc này phải chuẩn bị cho người lao động vốn tri thức và kỹ năng tối thiểu để có thể trở thành người lao động làm thuê nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất cho chủ. Phong trào “ nhà trường mới” ra đời với việc tổ chức, nội dung, phương pháp và đầu tư cho giáo dục đều ưu việt hơn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục để chuẩn bị một lớp người kế tục sự nghiệp quản lý nhà nước tư bản chủ nghĩa. Như vậy, “ Nhà trường mới” chỉ là trường học dành riêng cho tầng lớp trên của xã hội tư bản và một bộ phận giáo viên thuộc tầng lớp trên làm việc trong các nhà trường này cũng trung thành với mục đích đào tạo con người phục vụ giai cấp tư sản.
Chủ nghĩa Mác ra đời là một tất yếu lịch sử do những đòi hỏi của thực tế khách quan để phát triển xã hội loài người. Học thuyết Mác bao gồm triết học Mác xít, chủ nghĩa xã hội khoa học và kinh tế chính trị Mác xít là vũ khí tư tưởng, vũ khí luận và là kim chỉ nam cho hành động của giai cấp vô sản thế giới trong cuộc đấu tranh tự giải phóng và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa cộng sản. Học thuyết giáo dục của Mác – ăng nghen là một bộ phận của chủ nghĩa cộng sản khoa học, nó được hoàn thiện dần bằng tư tưởng giáo dục vĩ đại của V.I. LêNin, của các nhà giáo dục xã hội chủ nghĩa, trước hết là các nhà giáo dục Xô Viết. Bàn về người thầy giáo xã hội chủ nghĩa, Lê Nin nhiều lần nhấn mạnh tất cả nhiệm vụ nặng nề của nhà trường Xô viết chỉ có thể thực hiện tốt nếu có sự tham gia của đội ngũ giáo viên. Người đánh giá cao vị trí xã hội, vai trò của người thầy giáo trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ cũng như trong cuộc cách mạng văn hoá, khoa học, kỹ thuật: “ Giáo viên có nhiệm vụ truyền bá giáo dục to lớn, trước hết phải trở thành đội quân chủ yếu của sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa, phải giải phóng cuộc sống, tri thức khỏi phụ thuộc giai cấp tư sản, khỏi sự đô hộ của giai cấp bóc lột...” . Từ đó Lê Nin khẳng định chế độ xã hội chủ nghĩa phải thay đổi vị trí xã hội của người giáo viên, phải có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người thầy giáo thực hiện nhiệm vụ của họ... A. S. Makaarencô( 1888 – 1939) là nhà giáo dục Xô viết lỗi lạc đã để lại cho nhân loại một kho tàng lý luận giáo dục vô giá, nhưng trước hết ông là một nhà giáo hoạt động trong thực tiễn giáo dục suốt 32 năm. Vì vậy,hơn ai hết ông hiểu rõ vai trò to lớn của người giáo viên – nhà giáo dục, đồng thời ông cũng yêu cầu rất cao đối với nhân cách của họ. Macaarencô yêu cầu tất cả mọi người làm công tác giáo dục phải rèn luyện và học tập, không chỉ về phẩm chất tư cách mà về tri thức, năng lực, nghệ thuật giáo dục, dạy học. Ông nói: “ Tôi đi đến một niềm tin sâu sắc là không có nhà giáo dục nào cả, còn tốt hơn là có những nhà giáo dục tự rèn luyện kém. Thà có 4 nhà giáo dục có khả năng còn hơn là có 40 người thiếu khả năng hoặc được đào tạo tồi”.và “điều quan trọng là phải làm việc một cách có ý thức và tích cực, coi trọng nghề nghiệp”. Makarencô cũng yêu cầu tập thể các nhà giáo dục phải là một thể thống nhất trong suy nghĩ và hành động, “Không có gì nguy hiểm hơn là chủ nghĩa cá nhân và sự tranh chấp trong tập thể giáo viên, không có gì ghê tởm hơn, nguy hại hơn cái đó”. Ông cho rằng: “ Sự giáo dục đúng đắn chỉ có thể thực hiện được với tập thể nhà giáo dục nhất trí về quan điểm và tin tưởng giúp đỡ lẫn nhau...” . Đóng góp lớn lao của Makarencô cho khoa học đào tạo giáo viên chính là ở chỗ xác định ý nghĩa, vai trò của tập thể các nhà giáo dục, tính thống nhất trong hoạt động sư phạm, những điều đó trong lịch sử giáo dục nhân loại, chưa có ai đề cập tới sâu sắc, có giá trị thực tiễn Makarencô. Ngày nay, những kinh nghiệm và lý luận của ông về người giáo viên, và tập thể giáo viên cần được quán triệt sâu sắc trong công tác đào tạo giáo viên của các trường sư phạm.
Tóm lại: Điểm quan vài nét những tư tưởng, quan điểm về vai trò, chức năng của người giáo viên trong lịch sử giáo dục thế giới, chúng ta thấy rằng giáo dục là một hiện tượng xã hội, hiện diện trong tất cả mọi chế độ, mọi giai đoạn phát triển của lịch sử. Do vậy, dù khác nhau về địa lý, lịch sử, truyền thống, dù được đặt vào những vị trí khác nhau trong từng chế độ xã hội.... nhưng vai trò, tác dụng của người giáo viên vẫn được khẳng định và đánh giá cao trong lịch sử giáo dục của nhân loại.
3.VỊ TRÍ VAI TRÒ CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN VIỆT NAM.
Đất nước ta luôn tự hào với truyền thống ngàn năm văn hiến. Lịch sử dân tộc ta ghi nhiều trang oanh liệt, văn chương và tư tưởng Việt Nam có vẻ đẹp riêng, khoa học kỹ thuật Việt Nam vẫn đúc kết nên những kinh nghiệm nhất định...Tất cả những thành quả ấy là do sức sống, do bản lĩnh của nhân dân, trong đó có phần của những thầy giáo qua các thời đại.
Ở nước ta, trong xã hội cũ trước năm 1945 ( xã hội phong kiến và thời kỳ Việt Nam bị nước ngoài đô hộ), giai cấp thống trị cũng luôn ý thức một cách sâu sắc vai trò, ý nghĩa của giáo dục nên cũng luôn tìm cách nắm lấy đội ngũ giáo viên, buộc họ phải thực hiện ý đồ chính trị, tư tưởng đạo đức của giai cấp mình. Trong cuộc đấu tranh gây gắt giữa các giai cấp về giáo dục, đội ngũ giáo viên bị phân hoá thành hai bộ phận: một bộ phận giáo viên làm việc trong các nhà trường dành cho con em giai cấp thống trị, do vậy, họ có điều kiện sống và làm việc thuận lợi hơn; đại bộ phận giáo viên làm việc trong các nhà trường dành cho con em nhân dân lao động thì có cuộc sống vật chất khó khăn, không được tôn trọng về mặt pháp lý, bị coi thường, luôn phải chịu đựng những bất công...Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chung đó, một bộ phận giáo viên đã thể hiện tài đức cao sáng và có công lớn trong việc đem giáo dục đến với quần chúng nhân dân lao động.
Trong xã hội phong kiến có những người dã từ bỏ chức tước, địa vị cao sang ở chốn quan đường để sống một cuộc đời thanh bạch nhưng cao thượng, làm người giáo viên dạy dỗ con em nhân dân lao động, nêu cao khí tiết và tinh thần dân tộc, yêu nước thương nòi. Thông qua những trường tư do họ mở ở các địa phương và với vai trò là những thầy “ đồ”, họ đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí và đào tạo nhân tài cho đất nước. Nhân dân kính mến yêu thương họ, học sinh cảm phục và biết ơn họ. Những tấm gương thầy giáo tiêu biểu soi sáng muôn đời sau như Chu Văn An( 1292 – 1370), Nguyễn Bỉnh Khiêm ( 1491 – 1585), Ngô Thế Vinh( 1803- 1856), Nguyễn Đức Đạt( 1825 – 1887), Nguyễn Văn Siêu (1796-1869); Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888)...
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta làm thuộc địa. Cùng với chính sách bình định, khủng bố, cai trị, thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân rất thậm tệ. Trong khuôn khổ chính sách giáo dục và tổ chức nhà trường công khai dưới chế độ thực dân Pháp, đội ngũ giáo viên tất nhiên không phải là thuần tuý, nhưng những thầy giáo đúng đắn, nghiêm túc vẫn xứng đáng với lòng kỳ vọng của học sinh và nhân dân. Họ đã cố gắng say mê, tận tuỵ với nghề, áp dụng những kinh nghiệm sư phạm phương Tây vào công tác dạy học. Trong hoàn cảnh thực dân Pháp muốn học sinh Việt Nam quên mình, quên dân tộc mình... họ đã góp phần làm cho học sinh hiểu được cái hay, cái đẹp của tiếng mẹ đẻ, của nền văn chương Việt Nam, nuôi dưỡng tinh thần tự hào dân tộc, giữ gìn được lương tri của người dân mất nước. Họ cũng nêu tấm gương sáng về học lực uyên bác, về phương pháp sư phạm xuất sắc và lòng nhân hậu đối với học sinh. Những thầy giáo tiêu biểu như : Dương Quảng Hàm, Nguyễn Hữu Tảo, Đặng Thai Mai.... Cũng trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, nhiều nhà giáo dục đã đứng lên đấu tranh, trở thành những tấm gương của ý chí tự cường, tinh thần độc lập tự do, yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... Một số thầy giáo đã trở thành những chiến sĩ cách mạng đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập dân tộc và bình đẳng xã hội, tiêu biểu nhất là thầy giáo Nguyễn Tất Thành – Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Nhìn chung, vị trí của người giáo viên Việt Nam trong xã hội cũ là không xứng đáng với nghề nghiệp của họ, nhưng đội ngũ giáo viên đã đóng góp to lớn vào công tác giáo dục thế hệ trẻ, giữ gìn và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Tinh thần tôn sư trọng đạo, nói một cách thiết thực hơn là hiếu học, trọng thầy của nhân dân ta luôn có những nét riêng biệt. Nhân dân, học sinh trọng thầy, biết ơn thầy vì gắn thành quả của thầy với thành quả của lao động, “ Không thầy đố mày làm nên”. Mặt khác, ông thầy trong xã hội Việt nam xưa – không kể bọn thầy đồ, nho sĩ tha hoá - đại đa số là những người thực sự có công với đất nước. Có thể khẳng định rằng, trên thế giới này, ít có một đất nước mà hầu hết những con người có vai trò quan trọng trong lịch sử đều trải qua nghề thầy và có khá nhiều người thầy không có chức tước, học vị gì cao, nhưng lại có công lớn ( Lý Công Ẩn đào tạo ra Lý Thường Kiệt, Trương Văn Hiến dạy dỗ Quang Trung, Nguyễn Thức Tự bồi dưỡng cho Phan Bội Châu...). Người thầy giáo vẫn được coi là cầu nối, nối liền quá khứ, hiện tại, tương lai.
3.1. Vai trò của người giáo viên trong xã hội mới
Trong suốt cuộc đấu tranh trường kỳ giữ nước và dựng nước, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn vinh nghề dạy học và vị trí cao cả của người thầy, Bác Hồ đã nói: “ Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo- là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh húng vô danh”.Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “ Nghề dạy học là một nghề cao quí... nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo... vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VIII khẳng định đội ngũ giáo viên giữ vai trò quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh[7]. Vai trò của người giáo viên Việt Nam trong thời đại ngày nay được thể hiện một cách cụ thể ở những nội dung sau:
- Giáo viên là người giáo dục và đào tạo học sinh – thế hệ tương lai của dân tộc, của đất nước.
Chức năng trọng yếu của giáo dục là hình thành và phát triển nhân cách con người toàn diện. Lực lượng chủ yếu đảm nhận và thực hiện chức năng ấy là đội ngũ giáo viên. Việc hình thành và phát triển nhân cách cho thế hệ đang lớn lên là trách nhiệm của toàn xã hội, của gia đình và hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó đội ngũ giáo viên có trách nhiệm nặng nề nhất vì họ là những người chuyên trách công việc giáo dục. Người giáo viên là những người trực tiếp giáo dục đào tạo thế hệ trẻ theo đúng mục đích giáo dục. Cụ thể người giáo viên có trách nhiệm truyền đạt cho thế hệ trẻ hệ thống tri thức khoa học, và kỹ năng, kỹ xảo lao động nghề nghiệp, truyền bá cho họ lý tưởng và đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại, đào luyện họ trở thành những lớp người có ích cho đất nước. Nền văn hoá của nhân loại và dân tộc chỉ được bảo tồn và phát triển thông qua sự lĩnh hội và sáng tạo của thế hệ trẻ. Muốn cho sự lĩnh hội đó của thế hệ trẻ đầy đủ, chính xác, muốn cho nền văn hoá đó biến thành những cơ sở trọng yếu để xây dựng nhân cách cho họ thì họ phải được rèn luyện theo phương thức đặc biệt – phương thức nhà trường thông qua vai trò người thầy giáo. Có thể nói thầy giáo là cái “ dấu nối” giữa nền văn hoá xã hội và việc tái sản xuất nền văn hoá đó ở thế hệ trẻ. Mặt khác, việc hình thành và phát triển nhân cách con người là một quá trình lâu dài, nhưng giai đoạn được giáo dục ở nhà trường là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của nhân cách.Vì vậy, những tác động và kết quả giáo dục của giáo viên đối với học sinh vừa có tác dụng đặt nền móng, vừa có tác dụng định hướng, dẫn dắt cho quá trình phát triển nhân cách. Sự phát triển tương lai của học sinh phụ thuộc nhiều vào kết quả giáo dục của giáo viên. Giáo viên chính là người “ kỹ sư thiết kế nên tâm hồn” học sinh.
Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, trước những yêu cầu cao của xã hội đối với giáo dục, vai trò của người giáo viên càng được tôn vinh. Báo cáo của uỷ ban quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI đã khẳng định vai trò quyết định của người thầy giáo trong việc chuẩn bị thế hệ trẻ có trách nhiệm xây dựng tương lai của nhân loại theo hướng toàn cầu hóa, đoàn kết, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, sống trong hoàn bình, bao dung.Tất cả phụ thuộc rất nhiều vào việc đội ngũ giáo viên phải rèn luyện được ở thế hệ trẻ một trí tuệ nghiêm túc, tình cảm sâu sắc, thông cảm lẫn nhau cùng với tính độc lập ngày càng cao”.
- Đối với nhà trường, giáo viên là lực lượng chủ đạo trong công tác giáo dục học sinh
Từ việc khái quát những thành công của hoạt động giáo dục trên thế giới, người ta khẳng định rằng: “Giáo viên giữ vai trò quyết định trong quá trình nhận biết học – dạy và đặc trưng trong việc định hướng lại giáo dục. Người ta luôn luôn nhận thấy rằng thành công của các cuộc cải cách giáo dục phụ thuộc dứt khoát vào “ ý chí muốn thay đổi” cũng như chất lượng giáo viên. Không một hệ thống giáo dục nào có thể vươn cao quá tầm những giáo viên làm việc cho nó”.
Ngày nay, những ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình dạy học ngày càng nhiều, các phương tiện kỹ thuật dạy học ngày càng phát triển hiện đại... nhưng chỉ có tác dụng giảm nhẹ sức lao động, tăng thêm năng lực dạy học, giáo dục của giáo viên chứ hoàn toàn không thể thay thế vai trò của họ. Điều đó có thể lý giải rằng giáo viên không chỉ dạy tri thức khoa học,dạy kỹ năng, kỹ xảo; phát triển trí tuệ học sinh mà còn truyền bá cho họ thế giới quan khoa học, lý tưởng, niềm tin đúng đắn, khơi dậy và bồi dưỡng cho họ những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, năng lực sáng tạo của một người công dân. Giáo viên phải giáo dục học sinh về tâm hồn, về đạo lý,công lý...phải thông qua “dạy chữ” mà “dạy người”.Giáo viên phải giáo dục nhân cách học sinh bằng chính nhân cách của mình, cho nên không có máy móc nào hiểu được con người, tác động đến con người sâu sắc bằng chính con người.
Thời đại thông tin đã tạo những cơ hội mới, nhưng cũng đặt nhà giáo trước thách thức mới. Vậy nhà giáo phải làm gì trước tình hình đó?Tư liệu của Hội nghị Paris về giáo dục đại học có nêu tóm tắt yêu cầu đối với một “ nhà giáo mới” ở đại học: “ Phải làm chủ được môi trường công nghệ thông tin và truyền thông mới, đồng thời phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự thay đổi cơ bản về vai trò của họ”. Như đã nói, nhà giáo hiện nay không còn là người truyền thụ kiến thức, mà là người hỗ trợ hướng dẫn tìm chọn và xử lý thông tin. Từ đó có người hỏi: Vậy,vị trí của nhà giáo trong thời đại mới như thế nào, họ có bị “ ra rìa” không, câu ngạn ngữ “ không thầy đố mày làm nên” của dân ta có còn đúng nữa không? Chúng tôi cho rằng vai trò của nhà giáo thay đổi, nhưng vị trí của nhà giáo hoặc là không đổi, hoặc là được nâng cao hơn so với trước đây, nếu nhà giáo thoả mãn được những đòi hỏi của thời đại mới.
Hội nghị Paris về giáo dục đại học cho rằng trong giáo dục phương thức giáo dục mặt đối mặt vẫn chiếm vị trí hàng đầu, tác dụng của sự tương tác trong việc dạy và học luôn luôn được nhấn mạnh. Trong các mối tương tác đó, vị trí của một đối tác có bề dày về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm chọn nhập và xử lý thông tin sẽ nổi trội, sự đóng góp của đối tác đó trong quá trình học sẽ rất lớn không phải bằng sự độc quyền về thông tin và tri thức có tính đẳng cấp, mà bằng trí tuệ và sự từng trải của mình. Rõ ràng là nhà giáo có thể và cần phải khẳng định vị trí của mình trong các mối tương tác đó.
Nhà giáo hiện nay có sứ mạng đi đầu để chuẩn bị cho cuộc cách mạng thực sự về giáo dục như đã dự báo. Vai trò tiên phong đó sẽ nâng vị trí của nhà giáo lên rất nhiều so với trước đây. Với cơ hội mà công nghệ thông tin truyền thông mới đưa lại. Những kinh nghiệm và ý tưởng sáng tạo thật sự có giá trị của bất kì một cá nhân nhà giáo nào cũng dễ dàng được truyền bá rộng rãi đến số lượng người học đông hơn nhiều so với trước đây, không chỉ giới hạn trong bốn bức từơng lớp học mà có thể lan rộng ra cả nước và thậm chí vượt qua mọi biên giới quốc gia, điều đó làm cho vị trí của nhà giáo thật sự được nâng lên cao hơn nhiều so với trước đây. Rõ ràng là vị trí của nhà giáo trong thời đại thông tin không hề giảm, mà có cơ hội tăng lên. Tuy nhiên, việc có giữ vững vàng và nâng cao được vị trí đó hay không còn tuỳ thuộc vào sự phấn đấu của bản thân từng nhà giáo để đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới. Chúng ta có thể hi vọng, trước cơ hội và thách thức của thời đại mới, đa số nhà giáo chúng ta sẽ không bị “ ra rìa” .
Nói cách khác, việc đào tạo giáo viên hiện nay phải theo hướng đào tạo người dạy tư duy, dạy năng lực gia công xử lý thông tin khoa học.
+ Trong nhà trường,giáo viên đóng vai trò chủ đạo có nghĩa giáo viên không chỉ là người truyền đạt thông tin mà còn là người tổ chức, hướng dẫn, điều khiển, điều chỉnh quá trình nhận thức và quá trình hình thành nhân cách của học sinh.
Ngày nay, những đặc điểm và xu thế phát triển của thời đại đang đặt ra những yêu cầu cao đối với chất lượng nguồn nhân lực, đòi hỏi phải đổi mới giáo dục một cách toàn diện. Xu hướng đổi mới cơ bản là chuyển từ kiểu dạy học “ lấy giáo viên làm trung tâm” sang kiểu “dạy học lấy học sinh làm trung tâm”.Nói cụ thể hơn là dạy học phải hướng vào người học. Đặt người học vào vị trí trung tâm của quá trình giáo dục – dạy học không có nghĩa là phủ nhận hay xem nhẹ vai trò chủ đạo của giáo viên trong quá trình giáo dục. Cần phải nhận thức rằng học sinh là đối tượng của giáo dục, vì vậy phải tôn trọng lợi ích, nhu cầu của người học. Lợi ích và nhu cầu cơ bản nhất của học sinh là sự phát triển nhân cách của họ, cho nên mọi nỗ lực của nhà trường, của giáo viên trong hoạt động giáo dục và dạy học đều phải hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, bằng hoạt động của mình, hình thành và phát triển nhân cách. Trong dạy học lấy học sinh làm trung tâm, vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh được phát huy, nhưng vai trò của giáo viên không hề bị hạ thấp, yêu cầu đối với người dạy không hề giảm nhẹ, trái lại, giáo viên càng phải có trình độ cao về chuyên môn nghiệp vụ mới có thể đóng vai trò là người cố vấn, người trọng tài luôn luôn giữ vai trò chủ đạo trong quá trình sư phạm. Chính vì vậy, A. Đixtecvec cho rằng: “ Người giáo viên bình thường mang chân lý đến cho trò, người giáo viên giỏi biết dạy cho trò đi tìm chân lý”.
Trong một thế giới khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển vừa mang lại sự biến đổi nhanh trong đời sống xã hội, vừa tạo ra sự chuyển dịch các định hướng giá trị, thì người giáo viên không thể chỉ đóng vai trò truyền đạt tri thức, mà đồng thời phải có khả năng phát triển những cảm xúc, thái độ, hành vi ứng xử của học sinh, đảm bảo cho học sinh làm chủ được và biết ứng dụng hợp lý những tri thức đó....Một trong những tư tưởng chủ yếu trong chiến lược phát triển giáo dục thế kỷ XXI của UNESCO là giáo viên phải được đào tạo để trở thành những nhà giáo dục hơn là những chuyên gia truyền đạt kiến thức. Tư tưởng đó nhấn mạnh người giáo viên phổ thông trong thời đại mới phải biết phát triển ở người học ý thức về các giá trị đạo đức, tinh thần, thẩm mỹ tạo nên bản sắc văn hoá truyền thống riêng của từng dân tộc.Giáo viên hơn ai hết phải là nhà giáo dục, bằng chính nhân cách của mình tác động tích cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh.
Tóm lại, trong xã hội hiện đại, thông qua chức năng dạy học và giáo dục, đội ngũ giáo viên có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ giáo viên trong xã hội mới, coi họ là lớp người vẻ vang của đất nước, vì nếu “ không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Từ đó Người cũng chỉ rõ: vấn đề then chốt, quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được một đội ngũ đông đảo những người làm công tác giáo dục yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh… Cố tổng bí thư Lê Duẩn cũng từng nói: “ Đảng và nhân dân ta giao phó việc dạy dỗ con em mình cho các giáo viên, cũng là phó thác cho họ sứ mệnh đào tạo thế hệ tương lai cho cả dân tộc ta”. Nhà thơ Ấn Độ Tago viết: “ Giáo dục một người đàn ông được một người đàn ông; giáo dục một người đàn bà được cả một gia đình; giáo dục một người Thầy được cả một xã hội”.
4. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN
Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược giáo dục trong những năm đầu thế kỷ XXI. Đội ngũ giáo viên phải được xây dựng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và loại hình, có chất lượng ngày càng cao về đạo đức, lòng yêu nghề và năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
4.1.Về công tác đào tạo giáo viên
* Xác định lại mục tiêu đào tạo
Chức năng của các trường sư phạm hiện nay là đào tạo chuẩn mực, chất lượng cao giáo viên cho tất cả các cấp học, ngành học, cung cấp nguồn nhân lực cho các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân từ mẫu giáo tới đại học. Khi xác định “ mô hình nhân cách của sinh viên sư phạm lúc tốt nghiệp”, các nhà nghiên cứu vẫn xác định hai thành phần cơ bản trong cấu trúc nhân cách là phẩm chất tư tưởng chính trị, đạo đức và năng lực nghề nghiệp. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới của giáo dục phổ thông, các trường sư phạm cần phải xác định lại mục tiêu đào tạo theo hướng coi trọng hơn nữa mặt giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện các phẩm chất cơ bản của người giáo viên, mặt khác, nâng cao hơn nữa năng lực nghề nghiệp cho sinh viên. “ Hệ thống đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ thầy giáo cũng phải đổi mới nhằm tăng cường hiệu quả nghiệp vụ, thực sự là dạy nghề, nâng cao tay nghề và tiềm lực nghề cho những người hành nghề”. Bàn đến những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của người giáo viên tương lai “ Về lý thuyết không phải là mới, nhưng cái mới là nhận thức lại cụ thể hơn và phải tìm cách thực hiện có hiệu quả trên thực tế” .
* Xây dựng một cách tường minh hệ thống kiến thức mà người giáo viên tương lai cần chiếm lĩnh trong suốt quá trình đào tạo.
Tuỳ theo mục tiêu đào tạo giáo viên cụ thể ở từng bậc học, cấp học, môn học mà xác định được hệ thống kiến thức cơ bản cả về lý thuyết và thực hành. Hệ thống kiến thức này phải cập nhật được những thành tựu và tiến bộ của khoa học – công nghệ, văn hoá - xã hội... Đối với nghề dạy học, hệ thống kiến thức này phải bao gồm:
+ Phần kiến thức chung nhằm hình thành cho sinh viên một trình độ văn hoá chung, một cách nhìn nhận biện chứng để xem xét và lý giải các vấn đề của khoa học và đời sống.
+ Phần kiến thức thuộc về các khoa học cơ bản có quan hệ tới các môn học mà sinh viên sẽ giảng dạy sau này.
+ Phần kiến thức về khoa học giáo dục như Tâm lý học, Giáo dục học, PPDH các môn học và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Phải thoát ra khỏi quỹ đạo quen thuộc là chỉ cần chăm lo đào tạo giáo viên môn học, chỉ tập trung vào việc trang bị kiến thức và kỹ năng dạy học về một vài môn học trong trường phổ thông. Phải đảm bảo cho người giáo viên được đào tạo theo quan điểm nhân văn, vừa là người dạy, vừa là nhà giáo dục.
Nội dung đào tạo ban đầu trong trường sư phạm thường gồm hai phần chủ yếu là chuyên môn và nghiệp vụ, nhưng vấn đề đặt ra là cần xác định tương quan hợp lý giữa hai mặt này trong kế hoạch đào tạo của mỗi cấp sư phạm. Nội dung đào tạo thay đổi tùy yêu cầu kinh tế – xã hội, điều kiện tuyển sinh. Theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội hiện đang đưa thêm các nội dung mới như giáo dục dân số, giáo dục môi trường, giáo dục sức khoẻ, tin học, công nghệ học, kinh tế học giáo dục, xã hội học giáo dục... tăng cường đưa các kiến thức về pháp luật vào nhà trường... Đang có những nỗ lực khắc sự đào tạo theo diện chuyên môn quá hẹp, sự thiếu cân đối giữa lý thuyết và thực hành, sự không ăn khớp giữa sư phạm và phổ thông. Kế hoạch đào tạo đang được mềm hoá, giảm số giáo trình bắt buộc cho mỗi đầu sinh viên, tăng cường các giáo trình chuyên đề tự chọn, tự nguyện.
* Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học ở các trường sư phạm
Tương ứng với sự chuyển biến về mục tiêu, nội dung giáo dục- đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm, cần có đổi mới và chuyển biến kịp thời về phương thức đào tạo, trước hết là PPDH các môn học. Nghị quyết Hội nghị lần thứ II Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá VIII chỉ rõ: “ Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục - đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học, từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương tiện hiện đại vào QTDH, bảo đảm điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên” [7].Từ đó các nhà nghiên cứu đã xác định ba hướng chính đổi mới PPDH ở trường sư phạm hiện nay là:
+ PPDH cần phát huy cao độ tính tích cực, độc lập, phát triển tư duy sáng tạo cho sinh viên
+ Bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu
+ Rèn luyện KN thực hành, KN nghề nghiệp cho sinh viên
Những định hướng đó có mối quan hệ mật thiết với việc chuyển biến từ kiểu dạy học “lấy giáo viên làm trung tâm”sang “ lấy người học làm trung tâm”. Trong kiểu dạy học này, giảng viên không còn đóng vai trò chính là người truyền đạt kiến thức mà là người gợi mở, hướng dẫn, tổ chức,cố vấn, trọng tài cho các hoạt động tìm tòi, tranh luận của sinh viên. Theo đó những PPDH tích cực đang dần thay thế các PPDH thụ động nhằm phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của người học.
Đối với các trường sư phạm lôi cuốn sinh viên vào các hoạt động một cách độc lập, sáng tạo lại càng có ý nghĩa cần thiết khi muốn hình thành cho họ những cơ sở của năng lực sư phạm. Tạo mọi điều kiện để sinh viên thực sự độc lập, chú trọng khi tham gia các hoạt động thực hành và thực tập sư phạm, điều này chỉ có thể thực hiện khi xây dựng được một qui trình hình thành những kỹ năng sư phạm trong quá trình đào tạo ở trường.
Từng bước hiện đại hoá thiết bị dạy học có một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình dạy học, đặc biệt khi công nghệ thông tin phát triển với tốc độ nhanh và được ứng dụng rộng rãi. Vì thế muốn đổi mới PPDH phải tăng cường thiết bị, phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại như là một thành phần hỗ trợ đắc lực cho hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh.
+ Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng đánh giá toàn diện, nhưng chú trọng mặt kỹ năng thực hành, tư duy sáng tạo của sinh viên.
Đổi mới chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, giảng viên, chú trọng việc rèn luyện, giữ gìn và nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo.
* Về hình thức tổ chức cần thực hiện theo tinh thần giáo dục liên tục, giáo dục suốt đời dưới nhiều hình thức: học ngoài giờ làm việc tại một trường đại học ở gần, học tập trung từng đợt tách khỏi giảng dạy với sự hỗ trợ tài chính hoặc tự túc, học bằng thư, học từ xa, tự học là chính rồi dự các kì kiểm tra, thi do ngành tổ chức. Nội dung bồi dưỡng được phân hoá, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của mỗi nhóm đối tượng.
Hình thức bồi dưỡng đa dạng phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của các loại giáo viên, thực hiện bằng một hệ thống trường bồi dưỡng bên cạnh các trường Sư phạm hoặc trường Sư phạm kiêm nhiệm, thực hiện bằng nhiều kiểu như lớp ngắn ngày, lớp chuyên đề, lớp hàm thụ, lớp đài phát thanh, truyền hình.
4.2. Về công tác đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên
Đội ngũ giáo viên phổ thông nước ta có một lịch sử về trình độ đào tạo ban đầu không cao, đa dạng về nguồn gốc đào tạo, tỉ lệ chưa đạt chuẩn đào tạo theo luật giáo dục còn cao, nhất là ở vùng khó khăn. Một bộ phận giáo viên các cấp còn non yếu trong việc sử dụng phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, chưa có tiềm lực để đáp ứng yêu cầu khi phải dạy theo chương trình, SGK mới... Bên cạnh đó, phương pháp bồi dưỡng giáo viên trong những năm qua còn bộc lộ các nhược điểm như: mang tính “quảng canh”, thể hiện ở chỗ chưa bảo đảm đầy đủ yêu cầu phân hoá về trình độ, về nhu cầu của người giáo viên; chưa bảo đảm để người giáo viên tự học là chính; chưa chú ý đến những đặc điểm học tập của người lớn... . Xuất phát từ những vấn đề trên, công tác đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên cần tuân theo các định hướng lớn sau đây:
+ Đào tạo lại để chuẩn hoá trình độ cho số giáo viên các cấp chưa đạt trình độ chuẩn đào tạo theo qui định của Luật giáo dục. Từng bước đào tạo đội ngũ giáo viên cốt cán, giáo viên giỏi của các cấp học có trình độ đào tạo trên chuẩn.
+Tiếp tục thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên gắn liền với bồi dưỡng giáo viên phục vụ yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Trước mắt là bồi dưỡng giáo viên dạy thí điểm, tiếp đến là dạy đại trà chương trình và sách giáo khoa các lớp cải cách.
+ Đổi mới phương thức học tập của giáo viên trong các chương trình đào tạo lại và bồi dưỡng theo hướng tập trung vào hoạt động của giáo viên với phương châm lấy tự học, tự bồi dưỡng là chính, “ biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng” , “ mỗi trường học là một đơn vị bồi dưỡng”. Lôi cuốn, tổ chức, hướng dẫn cho giáo viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập với sự trợ giúp của tài liệu và phương tiện nghe nhìn, luôn phát hiện, tìm tòi, không cứng nhắc, gò bó rập khuôn theo những gì đã có trong tài liệu.
+ Tăng cường tổ chức học tập theo nhóm môn học trong từng tập thể sư phạm, nên thắc mắc,tự giải đáp ở tổ, nhóm có chuyên gia giải đáp...Tạo điều kiện cho giáo viên được đóng góp kinh nghiệm bản thân vào xây dựng nội dung chương trình, đổi mới phương pháp dạy học – giáo dục
+ Tập trung bồi dưỡng về PPDH phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh. Không đi vào PPDH nói chung mà bồi dưỡng những PPDH cụ thể, áp dụng vào từng bài giảng để giáo viên có thể vận dụng ngay vào quá trình dạy học của mình.
+ Bồi dưỡng thường xuyên cũng nhằm cập nhật, bổ sung, hiện đại hoá kiến thức cho giáo viên để họ có thể nắm vững những kiến thức mới và được bổ sung, mới được đưa vào chương trình và sách giáo khoa, đặc biệt là những kiến thức tích hợp từ nhiều môn học.
+ Tăng cường và có biện pháp đặc biệt để đào tạo bồi dưỡng các loại hình giáo viên còn thiếu ở các cấp học như thể dục, mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục công dân, kỹ thuật, tin học... Đưa các nội dung giáo dục mang tính xã hội như phòng chống ma tuý, môi trường, dân số, giới tính... vào chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.
+ Xây dựng, tổ chức đội ngũ chuyên gia làm công tác đào tạo lại, bồi dưỡng. Củng cố, tăng cường năng lực của các trường sư phạm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên....
KẾT LUẬN
Trong bất kỳ xã hội nào, bất kỳ giai đoạn phát triển nào của nhân loại, đội ngũ giáo viên đều đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi vì họ là những người trực tiếp làm công tác giáo dục - đào tạo thế hệ tương lai. Ở nước ta, trong suốt cuộc đấu tranh trường kỳ giữ nước và dựng nước, nhân dân ta, Đảng và nhà nước ta luôn luôn tôn vinh nghề dạy học và vị trí cao cả của người thầy. Đội ngũ giáo viên đã không quản khó khăn gian khổ, vượt qua mọi thiếu thốn có mặt trên khắp mọi miền đất nước, cống hiến toàn bộ tài năng cho sự nghiệp “ trồng người”, góp phần vào sự nghiệp chung.
Ngày nay, trước xu thế đổi mới của thế giới- thời đại của khoa học- công nghệ hiện đại. Đất nước Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới- một xã hội công nghiệp, hiện đại, văn minh, công bằng, thì vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, của người giáo viên đã có sự thay đổi cơ bản. Người giáo viên của thế kỷ XXI phải được đào tạo ở trình độ cao về học vấn cả về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội – nhân văn và khoa học giáo dục; phải nắm vững phương pháp dạy học theo xu thế dạy học lấy học sinh làm trung tâm; phải được trang bị những tri thức cơ bản về công nghệ thông tin và ứng dụng vào trong quá trình dạy học. Người giáo viên không chỉ thực hiện chức năng dạy học, giáo dục mà còn là một nhà khoa học, nhà văn hoá, nhà đạo đức, nhà hoạt động xã hội....
Muốn có một đội ngũ giáo viên như vậy, cần “phát triển đội ngũ nhà giáo”, trong đó đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phải được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục hiện nay
Tóm tắt
Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Các câu thành ngữ “Không thầy đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”... đã khẳng định vị thế của người thầy giáo trong xã hội và đức tính hiếu học của nhân dân ta. Trong thời đại xây dựng xã hội học tập ngày nay, vai trò của người thầy lại càng không thể thiếu trong quá trình định hướng về tri thức, nhân cách và phương pháp, là tấm gương sáng đối với các thế hệ người học. Do vậy cần thiết phải có một định hướng, một cách nhìn mới đối với việc đào đào và bồi dưỡng người thầy giáo trong xã hội hiện nay.
SUMMARY
Our people traditionally respected professors of religion. The proverb "No teacher should quiz you do"; "If you want to bypass the overseas / Want to grab our son loves the word you see" ... has confirmed the status of teachers in society and studious qualities of our people. In the era of building a learning society today, the role of the teacher is even more indispensable in the process-oriented knowledge, personality and approach, a good example for generations of students. Therefore necessary to have a direction, a new vision for training and refresher training teacher in today's society.
LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ giáo dục và đào tạo. Chiến lược phát triển giáo dục trong thế kỷ XXI. NXB Chính trị quốc gia Hà Nội 2002
2. Lê Khánh Bằng. Yêu cầu mới của thời đại, của đất nước đối với giáo viên và phương hướng đổi mới phương pháp dạy học ở các trường sư phạm. Tạp chí giáo dục 122. Số 9/ 2005.
3. Nguyễn Hữu Dũng. Định hướng đổi mới phương pháp đào tạo giáo viên. Tạp chí nghiên cứu giáo dục số 11/ 1996 trang7-9
4.Vũ Văn Dụ. Để tạo sự chuyển biến căn bản chất lượng bồi dưỡng giáo viên phổ thông. Tạp chí giáo dục số 96(9/ 2004) trang 7-8
6. Chiến lược phát triển giáo dục 2001 – 20010. NXBGD. H 2001
7. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ 2, BCHTW khoá 8, NXBGD Chính trị quốc gia, HN. 1997.
8. Phạm Minh Hạc. Phát triển giáo dục, phát triển con người phục vụ phát triển xã hội – kinh tế. NXBGDHN 1996.
9. Phạm Minh Hạc. Giáo dục thế giới đi vào thế kỷ XXI.NXB Chính trị quốc gia Hà Nội 2002
10. Bùi Văn Huệ. Đào tạo bồi dưỡng giáo viên đáp ứng đổi mới giáo dục phổ thông. Tạp chí giáo dục số 12( 9/2001) trang 9-10.
11. Vũ Ngọc Khánh. Tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam trước 1945. NXBGD HN 1985.
12. Luật giáo dục. Nhà xuất bản thống kê 2006
13.Trần Hồng Quân. Về vai trò của giáo viên và vị trí của hệ thống sư phạm. Tạp chí nghiên cứu giáo dục. Số 3/ 1996 , trang 1 – 2.
14. Raja Roy Singh. Nền giáo dục cho thế kỷ XXI: Những triển vọng Châu Á - Thái Bình Dương . Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam 1994
15. Tài liệu tham khảo số 4/2001. Dự báo xu thế phát triển của thế giới đầu thế kỉ XXI. Thông tấn xã Việt Nam
16. Hà Nhật Thăng - Đào Thanh Âm. Lịch sử giáo dục thế giới. NXBGD HN 1998
17. Thái Duy Tuyên. Giáo dục học hiện đại. NXBĐHQG Hà Nội 2001.
18. Nguyễn Đặng Tiến, Lịch sử giáo dục Việt Nam, NXBGD HN 1996.
19. Lê Công Triêm. Một số vấn đề hiện nay của phương pháp dạy học đại học. NXBGDHN 2002.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hiền
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kakor.net là vi phạm bản quyền