Bài giảng sinh động khi được áp dụng các thiết bị giảng dạy thích hợp
GD&TĐ - Khẳng định kiến thức không còn là mục tiêu cuối cùng của quá trình dạy học Vật lý mà cần sự thông hiểu, vận dụng sáng tạo vào cuộc sống, ông Chu Bá Vinh - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Bắc Giang) – cho biết: Mục tiêu mới này đòi hỏi cấp thiết cả thầy và trò phải nhanh chóng đổi mới cách dạy, cách học.
Xây dựng phân phối chương trình phù hợp với đối tượngĐược biết, ngay từ đầu năm học 2014 - 2015, Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Bắc Giang) đã tập trung chỉ đạo chuyên môn, trong đó chú trọng điều chỉnh khung phân phối chương trình; cách soạn giáo án; việc sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông; cách tổ chức các hoạt động trên lớp; kiểm tra, đánh giá và thi cử và cuối cùng là đổi mới sinh hoạt chuyên môn.
Trước đây tất cả các học sinh trong cùng khối được học cùng một phân phối chương trình, dẫn đến nhiều bất cập, không hợp lý. Đổi mới nội dung này, Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Bắc Giang) đã xây dựng khung phân phối chương trình, chia ra thành các chuyên đề dạy học với số tiết cứng cho từng chuyên đề. Từ đó, từng nhà trường căn cứ vào đối tượng học sinh để xây dựng phân phối chương trình môn Vật lý chi tiết cho từng lớp.
Tăng hiệu quả dạy học với CNTT, thiết bị dạy họcMột trong những nội dung quan trọng của môn Vật lý là thực hành, điều này liên quan trực tiếp đến thiết bị dạy học. Quan điểm của Sở GD&ĐT Bắc Giang là tăng cường sử dụng các thiết bị dạy học hiện có, bài nào nhà trường có dụng cụ thí nghiệm, giáo viên phải đưa vào sử dụng.
Nếu dụng cụ thí nghiệm bị hỏng, giáo viên vẫn được yêu cầu mang lên lớp, giới thiệu cách làm, mặc dù có thể kết quả không chính xác. Cùng với đó, tăng cường tự làm đồ dùng, thiết bị thí nghiệm, như tranh ảnh, in phun…
Việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng thí nghiệm cũng được quán triệt tới các nhà trường. Theo đó, phòng thí nghiệm được sắp xếp theo đồ dùng chung; theo khối lớp; theo mảng cơ, nhiệt, điện, quang. Mỗi lần sử dụng thí nghiệm đều phải ghi vào sổ đăng kí mượn đồ dùng, hay vào nhật kí để tăng trách nhiệm của giáo viên với đồ dùng dạy học.
Riêng hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy học Vật lý, ông Chu Bá Vinh cho biết, một số giáo viên vẫn hiểu sai, cho rằng khi sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông (soạn bài giảng điện tử) thì không cần phấn, bảng mà chỉ cần chiếu thông tin lên màn ảnh, giáo viên giảng và học sinh nhìn chép.
Do đó, quan điểm chỉ đạo về việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học Vật lý của Sở GD&ĐT Bắc Giang là: Coi máy chiếu, màn chiếu… là phương tiện hỗ trợ dạy học, nhằm làm tăng hiệu quả của quá trình dạy học. Những hỗ trợ từ công nghệ thông tin bao gồm: Hình ảnh, video, âm thanh, bảng biểu, câu hỏi trắc nghiệm và các thí nghiệm mô phỏng.
Lấy tiêu chí học sinh hứng thú, say mê để đánh giá giáo viênCách thức tổ chức các hoạt động trên lớp với môn Vật lý cũng được Sở GD&ĐT Bắc Giang chỉ đạo cụ thể đến các nhà trường. Trong đó quy định rõ, nội dung chính của bài học, phải được giáo viên ghi trên bảng.
Vai trò của giáo viên là: Tổ chức các hoạt động, giao việc cho học sinh; quan sát, chỉ đạo, giúp đỡ, điều chỉnh các hoạt động và nhận xét, đánh giá kết quả của học sinh; tạo tình huống có vấn đề, không khí học tập sôi nổi. Sau khi học xong, học sinh phải ghi chép được các nội dung chính của bài.
“Giờ dạy thành công là giáo viên tổ chức dạy học để học sinh được làm việc nhiều, hoạt động nhiều, nói nhiều, làm nhiều, trao đổi, thảo luận, phát biểu ý kiến. Chúng tôi đánh giá giáo viên qua việc học tập của học sinh.
Trong đó, quan tâm đến các tiêu chí: Học sinh có hứng thú, say mê nghiên cứu bài học hay không? Sau bài học, học sinh làm được gì, có hiểu bài không, vận dụng được kiến thức hay không? Học sinh có hình thành được năng lực không ?” - ông Chu Bá Vinh cho hay.
Kiểm tra năng lực, tư duyNếu như cách làm cũ trước đây, kiểm tra học sinh theo kiểu học thuộc lòng, kiến thức tái hiện, thì nay, ông Chu Bá Vinh nhấn mạnh, là kiểm tra năng lực, tư duy học sinh. Từ đó, yêu cầu học sinh phải có kiến thức tốt, khả năng vận dụng sáng tạo để giải quyết các bài toán tổng hợp, bài toán thực tiễn.
Việc đánh giá học sinh được quán triệt không phải so sánh các học sinh trong lớp với nhau mà so sánh chính bản thân học sinh đó trong quá trình, để đánh giá sự tiến bộ hay tụt lùi so với thời điểm trước, từ đó có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT cùng các nhà trường yêu cầu xây dựng ngân hàng câu hỏi theo từng khối lớp, đưa thêm câu hỏi mở, gắn liền với đời sống thực tiễn…
Cùng với đổi mới kiểm tra, đánh giá, một vấn đề hết sức quan trọng là đổi mới sinh hoạt chuyên môn. Quy định của Sở GD&ĐT Bắc Giang, mỗi tháng sẽ tiến hành sinh hoạt cụm 1 lần.
Đây là cơ hội để các giáo viên Vật lý nói riêng, các môn học khác nói chung trao đổi kinh nghiệm dạy học, kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi và dự giờ thao giảng… từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện hiệu quả phương pháp dạy học theo quan điểm đổi mới.
Giáo án như kịch bản dạy họcVới các môn học nói chung, môn Vật lý nói riêng, Sở GD&ĐT Bắc Giang luôn quán triệt quan điểm: Coi giáo án như kịch bản dạy học, giáo viên là người lập kế hoạch, viết kịch bản, còn học sinh là người thực hiện kịch bản đó. Coi sách giáo khoa là tài liệu tham khảo, dùng sách giáo khoa để dạy, chứ không dạy sách giáo khoa.
Lê Thị Tính (Theo Giáo dục và Thời đại)